Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội. Ước tính, khoảng 5% người lao động mất việc làm; 32% cơ sở phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người lao động bị cắt giảm giờ làm việc hoặc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 116 và Nghị quyết số 126. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP toàn quốc là trên 35,9 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng. Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến nay đã giải quyết cho hơn 12,8 triệu lao động với số tiền hỗ trợ trên 30,5 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hoá to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động giảm, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến; chỉ đạo thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Chính sách trợ giúp xã hội bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; 86% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2021, nhất trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công với cách mạng; thực hiện tốt chương trình giảm nghèo đa chiều bền vững; ổn định và phát triển thị trường lao động; xây dựng mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến cấp xã; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành... Trước mắt, ngành tập trung chăm lo cho đối tượng người nghèo, người có công với cách mạng, đặc biệt là người dân thật sự khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, giúp bà con có cái tết đầm ấm.
(Nguồn: Baotayninh.vn)
Ý kiến bạn đọc