1. Tình hình thực hiện Chương trình công tác của UBND tỉnh
Thực hiện Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 09/01/2024 của Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh về việc ban hành Chương trình công tác năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có 05 nội dung đăng ký. Đến nay, đã thực hiện hoàn thành 04 nội dung (trình 03 Nghị quyết của HĐND, 01 Kế hoạch cuẩ UBND tỉnh)[1], đang thực hiện 01 nội dung[2]. Ngoài ra, đăng ký bổ sung 04 nội dung và đang triển khai thực hiện[3].
Các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, Sở đã thực hiện hoàn thành 01 nội dung[4], 04 nội dung đang thực hiện[5].
2. Công tác lao động, việc làm và đào tạo nghề
2.1. Về tình hình lao động, việc làm
Tham mưu UBND tỉnh ban hành/trình ban hành Quyết định 1506/QĐ-UBND ngày 06/8/2024 ban hành Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, Kế hoạch số 227-KH/TU ngày 24/7/2024 thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Phối hợp với Công an tỉnh triển khai Kế hoạch số 1288/KH-UBND ngày 07/5/2024 của UBND tỉnh về việc tổ chức thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến cấp huyện, cấp xã thực hiện.
Triển khai các hoạt động tuyên tuyền, phổ biến thông tin đến người lao động các chương trình xuất khẩu lao động như: xuất khẩu lao động theo chương trình EPS, chương trình tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, chương trình tuyển chọn điều dưỡng viên sang học tập, làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức, tuyển chọn điều dưỡng viên, hộ lý sang học tập, làm việc tại Nhật Bản để người lao động trên địa bàn tỉnh biết và tham gia.
Tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hỗ trợ việc làm bền vững tại các huyện, thị xã, thành phố. Đến ngày 30/8/2024, các huyện, thị xã, thành phố đã thu thập, cập nhật thông tin người lao động được 189.680/211.466 người, theo kết quả rà soát (đạt 89,7%).
Trong 9 tháng:
- Giải quyết việc làm tăng thêm cho 13.864 lao động, đạt 86,65% so với kế hoạch đề ra, trong đó: giải quyết việc làm thông qua Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm là 3.252 lao động; việc làm từ phát triển kinh tế - xã hội (làm công ăn lương, tự tạo việc làm trong các thành phần kinh tế) là 10.612 lao động.
- Có 38 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đạt 12,67% so với kế hoạch. Thực hiện chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài cho 2.223 lao động (cấp mới 1.548, cấp lại 158, gia hạn cho 517) và có 19 doanh nghiệp đăng ký làm thêm giờ. Có 508 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu sử dụng lao động, với nhu cầu tuyển dụng 1.969 người lao động nước ngoài. Tiếp nhận, thẩm định cho 36 doanh nghiệp đăng ký bản nội quy lao động; 70 doanh nghiệp đăng ký thỏa ước lao động tập thể. Không xảy ra đình công, lãn công, ngừng việc tập thể.
- Tình hình tai nạn lao động chết người: 04 vụ tai nạn lao động chết người với thiệt hại 06 người chết tại 04 doanh nghiệp.
- Tư vấn – giới thiệu việc làm cho 19.203 người. Ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 12.951 người, với tổng số tiền 291.463,467 triệu đồng.
2.2. Đào tạo nghề
Trong 9 tháng: các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tuyển sinh được 8.463 người (cao đẳng: 380; trung cấp: 2.086; sơ cấp 5.989, đào tạo thường xuyên 08). Tổng số người tốt nghiệp và hoàn thành các trình độ GDNN được 6.185 người (cao đẳng: 213; trung cấp: 996; sơ cấp 4.976 người). Lưu lượng đang đào tạo 7.766 người (cao đẳng: 694; trung cấp 3.854; sơ cấp: 3.218). Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tính đến 30/8/2024: 1.446/2.450 người, đạt tỷ lệ 59%; đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững: 620 người.
3. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (NCC)
Chi trả trợ cấp thường xuyên cho 7.530 lượt đối tượng chính sách, với số tiền 134.573 triệu đồng; chi trả trợ cấp 1 lần cho 579 lượt đối tượng với số tiền 5.906 triệu đồng.
Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng NCC nhân dịp Tết Nguyên đán, lễ 30/4, 27/7, 2/9. Cụ thể: thực hiện tặng 74.333 phần quà cho các đối tượng chính sách NCC, với tổng kinh phí 40.728,270 triệu đồng (kinh phí từ nguồn trung ương, tỉnh, huyện, xã và nguồn xã hội hóa khác). Tổ chức họp mặt 38.165 đối tượng chính sách NCC nhân dịp Tết Nguyên đán.
Viếng nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Đồi 82 - Tây Ninh nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2024); phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức lễ truy điệu, án táng 297 hài cốt liệt sĩ được quy tập ở Campuchia đưa về nước (02 đợt); Viếng NTLS Trà Võ nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Tây Ninh (30/4/1975-30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng 8 (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024). Phối hợp tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các NTLS trong toàn tỉnh với 11.642 đoàn viên và đại biểu tham dự. Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương tặng quà cho 2 mẹ Việt Nam anh hùng và 50 NCC. Tổ chức đưa 06 NCC dự hội nghị biểu dương toàn quốc tại Hà Nội.
Hỗ trợ nhà ở NCC, thân nhân liệt sĩ: xây mới 11/12 căn với số tiền 1.760 triệu đồng (Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh hỗ trợ 1.040 triệu đồng và Quỹ đền ơn đáp nghĩa huyện, xã đối ứng 720 triệu đồng); sửa chữa 68 căn với số tiền 3.871,342 triệu đồng (Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh hỗ trợ 2.125,488 triệu đồng và Quỹ đền ơn đáp nghĩa huyện, xã đối ứng 1.745,854 triệu đồng).
Thực hiện điều dưỡng năm 2024 cho 1.950 NCC và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền 4.219,744 triệu đồng. Hoàn thành việc số hóa 4.500 hồ sơ người có công theo kế hoạch.
Cấp lại bằng Tổ quốc ghi công cho 87 trường hợp. Giải quyết 922 hồ sơ theo Nghị định 131/2022/NĐ-CP; 1.232 hồ sơ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 489 trường hợp liên quan đến công tác quản lý mộ liệt sĩ. Trong 9 tháng, thực hiện mua BHYT cho 270.748 lượt người (số thẻ đang sử dụng: 30.239), với kinh phí 23.570,014 triệu đồng (trong đó: tăng mới 408 người, giảm 942 người).
4. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, trẻ em
4.1. Công tác giảm nghèo
Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 2842/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023; Quyết định số 165/QĐ-UBND ngày 23/01/2024 về phê duyệt kết quả rà soát hộ không khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (hưởng chính sách hỗ trợ năm 2024); Quyết định số 281/QĐ-UBND ngày 05/02/2024 về giao dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố năm 2024 (thực hiện chính sách hỗ trự đối tượng thuộc hộ không khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh).
Triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2024. Tổ chức 01 đoàn kiểm tra, giám sát Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại các địa phương, đã kiểm tra 96 hộ gia đình, cá nhân tham gia dự án trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.
Trợ cấp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ không khả năng thoát nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024: 4.086 đối tượng, số tiền 3.145,8 triệu đồng. Ngân hàng chính sách xã hội đã cho vay 594 đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo với kinh phí 23.967 triệu đồng.
Tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” tại các địa phương (2 đợt). Tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2024. Tổ chức hội nghị tập huấn công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều và hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 cho 120 công chức phụ trách giảm nghèo cấp huyện, cấp xã. Khen thưởng và tặng bằng khen cho 13 tập thể và 23 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều và hộ nghèo theo tiểu chuẩn của tỉnh Tây Ninh năm 2023 (theo Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 12/3/2024 của UBND tỉnh).
Phối hợp: trao 1.000 phần quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ không khả năng thoát nghèo của Quỹ Thiện Tâm (Sungroup); trao 500 phần quà cho người Khmer nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, với số tiền 500 triệu đồng; phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024: 23.454 người, số gạo 351.810 kg.
Công tác cấp thẻ BHYT: cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo tỉnh và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo quy định: 17.340 thẻ (tăng 18 thẻ, giảm 97 thẻ). Trong đó: người thuộc hộ nghèo: 814 thẻ; người thuộc hộ cận nghèo: 2.822 thẻ; người thuộc hộ nghèo tỉnh: 5.530 thẻ; người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình: 8.174 thẻ. Tổng kinh phí cấp thẻ BHYT là 11.873 triệu đồng. Về hỗ trợ nhà đại đoàn kết: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 189 căn nhà đại đoàn kết, với số tiền 13.897 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
4.2. Công tác bảo trợ xã hội
Nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2024, tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 99 công dân trên 100 tuổi và 50 công dân tròn 100 tuổi, với kinh phí 477,769 triệu đồng (Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 31/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh) và phối hợp tổ chức chúc thọ cho 689 công dân tròn 90 tuổi, với kinh phí 744,809 triệu đồng.
Cấp 01 giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập: cơ sở bảo trợ xã hội và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Minh Tâm.
Tổ chức bàn giao 03 người Campuchia lang thang xin ăn cho chính quyền Vương quốc Campuchia. Tổ chức kiểm tra công tác chi trả chính sách trợ giúp xã hội và tình hình triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn tỉnh năm 2024; kiểm tra hoạt động của 02 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn tỉnh (cơ sở bảo trợ Minh Đức - mái ấm Mây ngàn và cơ sở bảo trợ xã hội Phước Điền). Tổ chức 03 lớp tập huấn chính sách trợ giúp người khuyết tật cho 206 cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội cấp huyện, xã.
Phối hợp với Báo Tây Ninh phát hành 03 kỳ phụ trương, gồm : “Người khuyết tật”, “Công tác xã hội”, “Người cao tuổi”. Phối hợp tham mưu công tác chúc thọ, mừng thọ nhân dịp Tết Nguyên đán 2025.
Trong tháng 9 tháng, cấp thẻ BHYT cho đối tượng BTXH 35.070 thẻ (phát sinh 401 thẻ, giảm 267 thẻ), tổng kinh phí là 24.312 triệu đồng. Thực hiện chi trả trợ giúp xã hội cho 42.368 đối tượng BTXH và hộ gia đình chăm sóc đối tượng tại cộng đồng, với kinh phí 218.683 triệu đồng.
4.3. Công tác trẻ em
Nhân dịp Tết Nguyên đán và tháng hành động Vì trẻ em năm 2024, tổ chức thăm và tặng quà cho 900 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; trẻ em dân tộc thiểu số, với kinh phí 450 triệu đồng (nguồn ngân sách tỉnh). Tổ chức Lễ phát động tháng hành động Vì trẻ em năm 2024 và trao tặng 274 phần quà, học bổng trị giá 324 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (nguồn quỹ xã hội hóa). Tổ chức 20 lớp về chuyên đề công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong các trường Trung học cơ sở trên toàn tỉnh; in và cấp phát 8.000 tờ gấp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho 09 huyện/thị xã/thành phố.Tổ chức treo 105 băng ron tuyên truyền trong tháng hành động Vì trẻ em với chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Tổ chức 09 lớp tập huấn nâng cao nâng lực cho 535 cộng tác viên trẻ em năm 2024. Tổ chức Tết Trung thu năm 2024. Công tác cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi: 89.139 người (phát sinh tăng 1.420 người, giảm 1.592 người), tổng kinh phí là 62.621 triệu đồng.
5. Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho lãnh đạo UBND và phòng LĐTBXH 09 huyện, thị xã, thành phố làm công tác về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn công tác bình đẳng giới cho người dân và hội viên Hội phụ nữ tại các huyện huyện.
Phối kết hợp với Báo Tây Ninh, Đài PTTH và Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh thực hiện 02 phóng sự và Báo Tây Ninh thực hiện 02 chuyên trang về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.
6. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật: về phòng, chống mua bán người trong các cơ sở giáo dục và các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024; về phòng ngừa mại dâm năm 2024 đến Hội Liên hiệp phụ nữ các xã biên giới và các xã có nguy cơ cao về tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh; về phòng, chống tệ nạn ma túy tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024; hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2024.
Phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 05 phóng sự tuyên truyền về phòng, chống mại dâm. Phối hợp với Báo Tây Ninh thực hiện đăng 02 phụ trương “Phòng, chống mại dâm”; thực hiện 01 phóng sự tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với kinh phí 12 triệu đồng. Phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức tuyên truyền phòng ngừa mại dâm cho hội viên của 20 xã vùng biên giới trên địa bàn tỉnh.
Trong 09 tháng đầu năm 2024, Đội Kiểm tra liên ngành Văn hoá – Xã hội tỉnh (đội 2) đã tổ chức 08 cuộc kiểm tra đối với 16 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện (trong đó: 07 cơ sở lưu trú, 07 cơ sở karaoke, 02 cơ sở massage). Qua kiểm tra đã lập 02 biên bản vi phạm hành chính (VPHC) đối với 02 cơ sở kinh doanh: nhà nghỉ Mây Hồng và massage Ấn Tượng. Đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và UBND huyện Châu Thành). Kết quả xử lý: chủ cơ sở nhà nghỉ Mây Hồng đã thi hành xong quyết định xử phạt VPHC, với số tiền 3,5 triệu đồng và không xử phạt VPHC đối với massage Ấn Tượng.
Thực hiện tiếp nhận và hỗ trợ 23 nạn nhân bị mua bán từ Campuchia trở về. Số học viên đang quản lý tại Cơ sở Cai nghiện ma túy: 472 học viên /15 nữ, trong đó: cai nghiện bắt buộc 448 học viên, đối tượng xã hội 18 học viên, từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi: 06 học viên. Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, không xảy ra tình trạng học viên bạo loạn, bỏ trốn tập thể.
7. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố c được thực hiện theo quy định. Trong 9 tháng, tiếp công dân 32 lượt với 35 người, số vụ việc tiếp lần đầu 32 vụ việc, không phát sinh số đoàn đông người được tiếp. Tiếp công dân của thủ trưởng: 10 kỳ, nhưng không phát sinh. Tiếp nhận và giải quyết 38 đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành: 02 cuộc kiểm tra với 22 tổ chức. Nội dung: kiểm tra chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng tại UBND thị trấn Bến Cầu; xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu và kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động về ATVSLĐ năm 2024.
Điều tra tai nạn lao động: 17 vụ làm chết 18 người và bị thương 03 người. Trong đó: tai nạn tại nơi làm việc là 09 vụ làm chết 10 người và 03 người bị thương; tai nạn giao thông liên quan đến lao động 08 vụ làm vết 08 người. Điều tra tai nạn lao động năm 2023 chuyển sang: 08 vụ làm chết 08 người.
8. Tổ chức, hành chính, tổng hợp
Công tác tổ chức bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế thực hiện đảm bảo quy định. Trình UBND tỉnh Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 29/3/2024 phê duyệt Đề án vị trí việc làm của Sở; ban hành Quyết định phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với 06/06 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với viên chức quản lý cấp phòng thuộc đơn vị sự nghiệp. Trình UBND tỉnh chủ trương tổ chức lại các phòng chuyên môn thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Dự thảo Đề án tổ chức lại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Điều dưỡng Người có công tỉnh Tây Ninh.
Công tác quản lý công chức, viên chức, người lao động[6]; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức[7] và bố trí, sắp xếp, sử dụng công chức, viên chức được quan tâm, chú trọng. Thực hiện tốt chế độ tiền lương, giải quyết chế độ nghỉ hưu, thôi việc[8]; công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức; công tác quy hoạch, lấy phiếu tín nhiệm, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại[9]. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức bộ máy, quản lý viên chức, người lao động tại đơn vị sự nghiệp; kiểm tra công vụ định kỳ, đột xuất tại các phòng, đơn vị[10] kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những đơn vị thực hiện chưa tốt, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chịu trách nhiệm đối với các hành vi chưa đúng quy định pháp luật.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của Sở: ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, Kế hoạch triển khai Đề án 06 năm 2024. Trình UBND tỉnh ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC lĩnh vực lao động, quản lý lao động ngoài nước, người có công, giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội. Rà soát các TTHC toàn trình, một phần của ngành. Quyết định kiện toàn Tổ công tác và Tổ giúp việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Quan tâm công tác thi đua, khen thưởng: ban hành các Kế hoạch công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, Bảng điểm thi đua năm 2024 của Khối Thi đua do Sở theo dõi, hướng dẫn. Kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ, thành tích trong các phong trào thi đua chuyên đề, thi đua thường xuyên[11]. Giới thiệu 04 tập thể và 09 cá nhân là gương điển hình tiên tiến của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội.
9. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình, dự án
Phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, cụ thể:
- Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo: đã xây dựng và triển khai thực hiện được 67 dự án, mô hình với 558 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án, với kinh phí hỗ trợ 10.687 triệu đồng.
- Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng: đã xây dựng và triển khai thực hiện 42 dự án/mô hình cho 266 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án, với kinh phí hỗ trợ 5.459 triệu đồng.
- Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững: các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh mở được 22 lớp đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: 620 người; Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu; Tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hỗ trợ việc làm bền vững tại các huyện, thị xã, thành phố; Tổ chức 9 Phiên giao dịch việc làm với 3700 lượt người tham gia, 2786 người được tư vấn việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động và doanh nghiệp tiếp nhận 941 người…., với kinh phí giải ngân trên 4.257 triệu đồng.
- Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin: Sở đã ký hợp đồng đặt hàng sản xuất “Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024” với Đài Phát thanh và truyền hình Tây Ninh, kinh phí thực hiện 338 triệu đồng; ký hợp đồng với Báo Tây Ninh “Thực hiện tuyên truyền Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 trên phương tiện Báo in, báo điện tử”, kinh phí thực hiện 500 triệu đồng…
- Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình: tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024; xây dựng Sổ tay hướng dẫn, sổ tay nghiệp vụ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Toàn tỉnh đã tổ chức 15 đoàn giám giám Chương trình (cấp tỉnh: 04 Đoàn, cấp huyện: 11 đoàn)… với kinh phí giải ngân trên 250 triệu đồng.
[1] Nghị quyết số 77/2024/NQ-HĐND ngày 28/5/2024 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy; người được giao nhiệm vụ hỗ trợ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; quản lý sau cai nghiện và mức trợ cấp đặc thù đối với người làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tây Ninh; Nghị quyết 70/2024/NQ-HĐND ngày 22/3/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán; Nghị quyết số 74/2024/NQ-HĐND ngày 28/5/2024 của HĐND tỉnh quy định đối tượng cho vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh. Kế hoạch số 423/KH-UBND ngày 06/02/2024 của UBND tỉnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2024.
[2] Kế hoạch kinh phí phục vụ Tết Nguyên đán năm 2025; Kế hoạch tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán năm 2025; Lịch thăm các đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị quản lý rừng, thủy lợi, phòng chống buôn lậu và đơn vị xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán. Tiến độ: ngày 04/9/2024, Sở LĐTBXH đã có Công văn số 2797/SLĐTBXH-VP về việc đề nghị thẩm định mức và đề xuất nguồn kinh phí phục vụ Tết Nguyên đán năm 2025 (lần 1).
[3] Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 15/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về Chương trình việc làm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020 (Tờ trình số 133/TTr-SLĐTBXH ngày 04/9/2024); Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025” (Công văn số 1355/SLĐTBXH-VL ngày 08/5/2024 gửi đến các cơ quan, ban ngành có liên quan để lấy ý kiến); Quyết định quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất (tham mưu UBND tỉnh văn bản xin ý kiến góp ý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với dự thảo Quyết định); Quyết định quy định mẫu hồ sơ, điều kiện lựa chọn dự án trong hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Tờ trình số 114/TTr-SLĐTBXH ngày 07/8/2024 của Sở LĐTBXH về việc đề nghị xây dựng Quyết định).
[4] Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 04/01/2024 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
[5] Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2030 (trình UBND tỉnh thông qua ngày 06/9/2024); Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (Thông báo số 2463-TB/VPTU ngày 10/9/2024 của Văn phòng Tỉnh uỷ về kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ về dự thảo Kế hoạch); Đề án sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn trung ương và hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh Tây Ninh năm 2025 (Tờ trình 125/TTr-SLĐTBXH ngày 30/8/2024 của Sở LĐTBXH gửi UBND tỉnh); Đề án tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Ngày 29/8/2024, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 7779/VP-TH về kết luận cuộc họp CT, Phó CT UBND tỉnh về Đề án giải quyết, xử lý tình trạng người lang thang, người xin ăn, người tâm thần trên địa bàn tỉnh Tây Ninh).
[6] Quyết định tuyển dụng 13 viên chức trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng viên chức sự nghiệp năm 2024 (đợt 1).
[7] Cử đào tạo 03 lượt công chức, viên chức; cử bồi dưỡng 20 lượt công chức, viên chức. Đề nghị hưởng chính sách khuyến khích tự đào tạo sau đại học cho 02 viên chức.
[8] Thôi việc 02 viên chức; nghỉ hưu 01 viên chức
[9] Tham mưu UBND tỉnh bổ nhiệm lại Phó Giám đốc Sở: 01 trường hợp. Quyết định bổ nhiệm 02 trường hợp, bổ nhiệm lại 01 trường hợp, kéo dài thời gian giữ chức vụ 01 trường hợp, điều động 02 trường hợp, điều động biệt phái 01 viên chức quản lý
[10] Kiểm tra đột xuất 06 cuộc tại 05 đơn vị trực thuộc và Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh; kiểm tra thường xuyên tại các phòng chuyên môn.
[11] Công nhận danh hiệu lao động tiên tiến năm học 2023-2024: 16 tập thể, 118 cá nhân; công nhận 29 cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Khen thưởng 04 tập thể, 05 cá nhân đã có thành tích trong công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2023. Trình Hội đồng thi đua - khen thưởng tỉnh tặng Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh cho 21 tập thể, 27 cá nhân. Đề nghị tặng Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đối với 01 tập thể, 01 cá nhân.
Tác giả: S? lao ??ng Qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc