Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá

Thứ ba - 04/05/2021 16:00 807 0
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ được thực hiện như: xây dựng nền tảng, hạ tầng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Giám sát thông tin, số liệu, hình ảnh tại Trung tâm Giám sát điều hành tập trung tỉnh Tây Ninh

Những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu mang lại một số kết quả thiết thực. Năm 2019, chỉ số mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp vào nhóm khá khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai

Từ ngày 1.5.2020, Văn phòng Ðăng ký đất đai (VPÐKÐÐ) chi nhánh Tân Châu thực hiện thí điểm phần mềm VNPT iLIS trong quản lý cơ sở dữ liệu đất đai (cơ sở dữ liệu địa chính). Tính đến hết ngày 25.1.2021, đơn vị phối hợp với Tập đoàn VNPT cập nhật chuyển đổi toàn bộ cơ sở dữ liệu đất đai hiện có của huyện Tân Châu (hơn 95.000 hồ sơ) lên phần mềm này để khai thác sử dụng.

VPÐKÐÐ chi nhánh Tân Châu cho biết, số lượng hồ sơ tiếp nhận trên phần mềm quản lý đất đai VNPT iLIS là 5.102 hồ sơ, trong đó, tập trung vào các thủ tục: chuyển nhượng quyền sử dụng đất (2.451 hồ sơ); tặng, cho quyền sử dụng cả thửa đất (821 hồ sơ); thừa kế quyền sử dụng cả thửa đất (217 hồ sơ); tách thửa hoặc hợp thửa đất (1.055 hồ sơ); cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (415 hồ sơ).

Phần mềm đáp ứng được việc vận hành, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính. Các nhóm chức năng chính như đăng ký, cấp giấy chứng nhận, chỉnh lý biến động... hoạt động ổn định và tin cậy.

Ðể tăng tính tiện ích và hỗ trợ thuận tiện cho người dùng, VPÐKÐÐ chi nhánh Tân Châu đề nghị Tập đoàn VNPT hiệu chỉnh, bổ sung thêm một số tính năng như: công cụ tiện ích hỗ trợ chỉnh lý bản đồ (chia tách, gộp...) cần thiết kế giống với phần mềm MicroStation, Famis (cán bộ đang quen với phần mềm này); tối ưu hoá việc quét và lưu trữ file quét (phần mềm cần hỗ trợ phương án nén dữ liệu quét). Bên cạnh đó, triển khai tích hợp chữ ký số; kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ của ngành Thuế và Một cửa điện tử tập trung của tỉnh.

Chuyển đổi số trong thủ tục hành chính

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hiện cung cấp 1.818 thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 4- đạt gần 97% TTHC của tỉnh, đạt 100% TTHC có thể cung cấp trực tuyến.

TTHC trực tuyến đang được tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện cơ chế đăng nhập và xác thực một lần, đồng thời, có thể sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia hoặc qua các trung gian thanh toán ký kết với tỉnh.

Từ năm 2015, tỉnh triển khai hệ thống phục vụ họp không giấy tờ. Ðến nay, các cuộc họp do UBND tỉnh, UBND cấp huyện và một số sở, ngành tổ chức đã gửi giấy mời và tài liệu qua hệ thống này, không gửi bản giấy, giúp tiết kiệm rất nhiều về thời gian và chi phí in ấn, phát hành tài liệu giấy. Bên cạnh đó, hệ thống họp trực tuyến cũng triển khai từ năm 2015, đến nay, có thể tổ chức các cuộc họp trực tuyến từ tỉnh xuống tới cấp huyện và khoảng 60% UBND cấp xã.

Hệ thống phần mềm một cửa điện tử triển khai theo mô hình tập trung từ tỉnh xuống tới cấp xã, qua đó, toàn bộ TTHC của tỉnh được lưu chuyển và xử lý trên môi trường mạng. Tỉnh còn triển khai hệ thống hỏi đáp trực tuyến, nhằm tạo kênh thông tin để người dân và doanh nghiệp hỏi những vấn đề liên quan đến quy định của Nhà nước, TTHC, hoạt động của cơ quan Nhà nước... và quy định các cơ quan Nhà nước phải trả lời chậm nhất trong 7 ngày làm việc.

Qua gần 5 năm đưa vào sử dụng, hệ thống hỏi đáp trực tuyến được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao, thường xuyên sử dụng để đặt câu hỏi cho các cơ quan Nhà nước trong tỉnh.

Ngoài ra, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh IOC của tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 2020, với các phân hệ đang hoạt động như: hệ thống phản ánh hiện trường; hệ thống camera an ninh và giao thông; hệ thống giám sát an toàn an ninh thông tin; hệ thống thông tin báo cáo kinh tế - xã hội; hệ thống giám sát dịch vụ hành chính công; hệ thống tra cứu thông tin quy hoạch; hệ thống giám sát các lĩnh vực: y tế; giáo dục, môi trường, mạng xã hội và đã cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân và doanh nghiệp.


Hệ thống giám sát an ninh giao thông.

Ngày 26.1.2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; mới đây, UBND tỉnh ban hành Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ được thực hiện như: xây dựng nền tảng, hạ tầng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Trong đó, 100% TTHC đáp ứng yêu cầu triển khai ở mức độ 4, được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 60% trở lên.

Ðến năm 2025, Tây Ninh vào nhóm khá về xây dựng chính quyền số và an toàn thông tin; năm 2030, vào nhóm chuyển đổi số khá. Năm 2025, thí điểm chuyển đổi số cho một xã trên địa bàn tỉnh và đến năm 2030, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 xã, phường, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số. Bên cạnh đó, xây dựng đề án đô thị thông minh tại ít nhất 2 huyện, thị xã, thành phố để đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện hạ tầng đô thị thông minh.

Theo Sở TT&TT, với chức năng và nhiệm vụ tham mưu quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông, Sở sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành nhằm đạt điểm số và thứ hạng cao về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ngành cấp tỉnh. Mặt khác, xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 02, phấn đấu đạt tất cả các chỉ tiêu chung và chỉ tiêu chi tiết được đề ra.

Ngoài một số kết quả ban đầu, tỉnh chưa có nhiều đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử. Xu hướng chuyển đổi số diễn ra nhanh trong khi nguồn lực của tỉnh phân bổ cho việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn hạn chế; chưa có các chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh.

(Nguồn: Baotayninh.vn)


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay888
  • Tháng hiện tại40,182
  • Tổng lượt truy cập3,930,480
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây