HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRẺ EM NĂM 2022

Thứ sáu - 18/03/2022 13:16 1.746 0
Ngày 15/3/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh đã ban hành Công văn số 901/SLĐTBXH-TE về việc hướng dẫn thực hiện công tác trẻ em năm 2022.
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRẺ EM NĂM 2022

Theo đó, Năm 2022 là năm tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo chủ đề “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” của Chính phủ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về trẻ em như sau:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích. Lồng ghép, đưa nhiệm vụ thực hiện quyền trẻ em, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào trong các chương trình, kế hoạch công tác của các phòng, ban, ngành có liên quan. Báo cáo tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/12/2012 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”.

2. Quản lý, sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn ngân sách địa phương phân bổ và nguồn vận động dành cho trẻ em. Chú trọng bố trí ngân sách địa phương để giải quyết các vấn đề nóng về trẻ em; xây dựng, củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thực hiện các chương trình, đề án về trẻ em. Tăng cường vận động và sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho trẻ em, hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt do đại dịch COVID-19, cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em.

3. Bảo đảm cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về trẻ em và nhân lực thực hiện công tác trẻ em tại địa phương. Tất cả các xã, phường, thị trấn được bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách, có nhóm thường trực bảo vệ trẻ em và có chính sách của địa phương hỗ trợ đội ngũ bảo vệ trẻ em để hoạt động hiệu quả. Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp xã và thành viên của tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em.

4. Phối hợp chỉ đạo việc thực hiện trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em. Tiếp tục thực hiện và nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến từng địa bàn dân cư; gắn kết tiêu chí về thực hiện quyền trẻ em, thực hiện quy định về tiêu chuẩn, trình tự đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em với đánh giá nông thôn mới, đô thị văn minh.

5. Nhân rộng kinh nghiệm, khuyến khích, biểu dương những điển hình, những sáng kiến tốt trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và đóng góp nguồn lực cho trẻ em. Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Tăng cường trách nhiệm, công tác phối hợp của mỗi ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương nhằm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, xử lý để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình và cơ sở giáo dục các vụ việc xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trong trường học; phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần; phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời.

6. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các biện pháp bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em và tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, các khu dân cư, các tòa nhà chung cư cao tầng, các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông thuộc địa bàn quản lý.

7. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, đặc biệt các quy định của Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em và các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật hình sự, xử lý vi phạm hành chính, phòng, chống bạo lực gia đình...Truyền thông tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội và tại cộng đồng dân cư. Tư vấn, hướng dẫn vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, nhất là trong dịp hè. Truyền thông, quảng bá rộng rãi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111).

8. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật, chính sách, chương trình, đề án về trẻ em, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đôn đốc, kiểm tra việc phối hợp giữa các ban, ngành, nhà trường và ủy ban nhân dân cấp xã trong thực hiện việc bàn giao, quản lý trẻ em để bảo đảm mùa hè an toàn cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước.

9. Nắm bắt tình hình, thông tin kịp thời, tích cực chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích trẻ em phức tạp được dư luận quan tâm, do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin hoặc yêu cầu giải quyết. Phối hợp, xử lý thông tin kịp thời giữa địa phương với các cơ quan bảo vệ trẻ em ở cấp tỉnh, Tổng đài 111 trong việc xác minh, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em. Xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trong việc chẫm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, bao che hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

10. Triển khai thu thập chỉ tiêu thống kê, báo cáo theo Thông tư số 13/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em. Chú trọng công tác theo dõi, quản lý chất lượng thông tin thống kê về tình hình trẻ em trên nền tảng số; rà soát, xác thực thông tin, dữ liệu trẻ em và duy trì cập nhật lên phần mềm quản lý thông tin trẻ em. Thu thập, tổng hợp thông tin kết quả chỉ số thực hiện quyền trẻ em tại địa phương để bảo đảm đánh giá, xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em chính xác, khách quan.

Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo về công tác trẻ em giữa các cấp quản lý. Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo hoặc ủy quyền cho Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả công tác trẻ em về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vào ngày 20/5 và 15/11 năm 2022 theo biểu mẫu báo cáo đính kèm, đồng thời báo cáo đột xuất về những vấn đề, vụ việc nổi cộm xảy ra (nếu có)./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay745
  • Tháng hiện tại5,773
  • Tổng lượt truy cập3,837,026
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây