Huyện Tân Châu: Đi đầu trong triển khai chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt

Thứ sáu - 15/11/2024 10:15 73 0
Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong các dịch vụ công, huyện Tân Châu đã khẳng định vai trò tiên phong khi trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hoàn thành 100% chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng vào tháng 9.2024.

Đến nay, huyện Tân Châu vẫn là địa phương duy nhất trong tỉnh đạt chỉ tiêu chi trả trợ cấp xã hội 100% không dùng tiền mặt. Đây là bước tiến quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt là các đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, việc chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong công tác an sinh xã hội. Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng của các cấp lãnh đạo và cán bộ địa phương, huyện Tân Châu đã hoàn thành chi trả qua tài khoản cho 3.452 đối tượng, bao gồm 3.028 người thuộc diện bảo trợ xã hội và 422 người chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng…. Thành công này đánh dấu bước tiến lớn trong lộ trình chuyển đổi số tại địa phương khẳng định quyết tâm của chính quyền huyện Tân Châu trong việc hiện đại hóa công tác an sinh xã hội.

Là một huyện biên giới còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, việc triển khai chính sách chi trả không dùng tiền mặt tại Tân Châu gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc thay đổi thói quen của người dân. Đặc biệt, người cao tuổi, người khuyết tật… vốn đã quen nhận tiền mặt trực tiếp, do đó, việc chuyển sang nhận qua tài khoản ngân hàng đã không tránh khỏi sự băn khoăn. Trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phương thức cũ và mới, việc một số người dân bày tỏ sự không đồng tình, không muốn thay đổi thói quen là điều bình thường. Thậm chí, một số còn phản đối gay gắt do chưa hiểu rõ lợi ích của việc này. Tuy nhiên, với sự kiên trì tuyên truyền, vận động của các cán bộ địa phương cùng các đơn vị hỗ trợ, từng khó khăn dần được tháo gỡ, dần tạo niềm tin và sự đồng thuận trong cộng đồng.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Châu đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các ngân hàng trên địa bàn tổ chức các đợt mở tài khoản ngay tại địa phương, giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức. Quá trình triển khai được thực hiện theo từng xã để rút kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả. Công tác tuyên truyền về lợi ích và chủ trương chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt được phổ biến rộng rãi qua hệ thống đài phát thanh của các xã, thị trấn, đảm bảo mọi người dân đều nắm bắt thông tin. Đặc biệt, các đối tượng hưởng trợ cấp còn được miễn phí mở thẻ, tạo thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Với các trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng… không thể tự mở tài khoản hoặc người mất năng lực hành vi dân sự, huyện đã hướng dẫn gia đình và người giám hộ làm thủ tục ủy quyền, xác định thân nhân, đảm bảo mọi đối tượng đều tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Sự tận tâm của đội ngũ cán bộ địa phương đã giúp huyện Tân Châu đạt được kết quả tích cực trong thời gian ngắn. Các khoản trợ cấp nay được chuyển thẳng vào tài khoản của người thụ hưởng hoặc người được ủy quyền, đảm bảo tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro thất thoát.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và cán bộ địa phương, nhiều người dân đã dần nhận ra những lợi ích thực tế. Sự chuyển đổi từ chi trả trực tiếp sang chi trả không dùng tiền mặt không chỉ được các cấp lãnh đạo đánh giá cao mà còn nhận được sự đồng thuận tích cực từ người dân.

Bà Lê Thị Mùi, 86 tuổi ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Hưng chia sẻ: “Khi nghe tin nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, tôi rất lo lắng. Tôi đã già rồi, đi đứng khó khăn, làm sao mà mở tài khoản được. Nhưng nhờ có các cán bộ xã hướng dẫn làm thủ tục cho con trai tôi đứng tên ủy quyền nhận thay. Giờ tiền trợ cấp được chuyển vào tài khoản, không phải nhọc công đi lại hay nhớ ngày ra Bưu điện nhận tiền.”

Đối với bà Đoàn Thị Loan, 52 tuổi, một người hưởng trợ cấp xã hội tại ấp Đông Hà, xã Tân Đông, sự thay đổi này cũng giúp bà dễ dàng quản lý tài chính: “Ban đầu, tôi và nhiều người khác cũng e ngại việc nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, nhưng khi được giải thích, tôi thấy nhận tiền qua tài khoản vừa nhanh chóng vừa an toàn. Không cầm phải xếp hàng chờ đợi để nhận tiền mặt, mà có thể tự mình quản lý dễ dàng, đúng ngày là tiền vào tài khoản.”

Ông Trần Văn Hoàng, 82 tuổi, ở ấp Đông Tiến, xã Tân Đông, cũng phấn khởi chia sẻ: “Nói thật lúc mới nghe, tôi cũng chưa quen. Nhưng giờ có thẻ ngân hàng, tôi thấy mình không còn lạc hậu. Không chỉ dùng thẻ nhận trợ cấp, con, cháu ở xa cũng thỉnh thoảng chuyển tiền qua tài khoản cho tôi. Đi siêu thị hay cửa hàng, dùng thẻ tiện lợi lắm.”

Ông Danh Sa Ben, Trưởng ban Công tác Mặt trận tại ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, dân tộc Khơ-me, là một trong những người tiên phong trong việc tuyên truyền và hướng dẫn người dân mở tài khoản nhận trợ cấp xã hội. Ông kể: “Mẹ tôi nay đã 96 tuổi, trước đây hàng tháng, tôi phải xếp hàng chờ nhận trợ cấp cho mẹ. Nay nhờ việc chi trả qua tài khoản, tôi được ủy quyền để nhận tiền thay, tiện lợi hơn.” Không chỉ hỗ trợ gia đình mình, ông Ben còn tích cực vận động và hướng dẫn người dân trong ấp Kà Ốt tham gia mở tài khoản, giúp họ dễ dàng nhận trợ cấp mà không phải lo lắng về thủ tục phức tạp hay phải đi lại xa xôi. Những hoạt động không chuyên trách ở ấp/khu phố như ông Ben đã trở thành một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Ông Phạm Tấn Lợi, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Châu, chia sẻ: “Việc triển khai chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt là một bước tiến quan trọng, giúp chúng tôi quản lý đối tượng bảo trợ xã hội chặt chẽ hơn. Dù gặp nhiều thách thức khi thay đổi thói quen của người dân, nhưng với nỗ lực của các cơ quan, đơn vị và sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, huyện đã hoàn thành mục tiêu chi trả 100% qua tài khoản vào tháng 9.2024. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian, đảm bảo an toàn cho người dân mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội của huyện.”

Với những kết quả đạt được, Tân Châu đã khẳng định vai trò dẫn đầu trong triển khai chính sách chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt của tỉnh, trở thành hình mẫu về ứng dụng công nghệ vào quản lý Nhà nước và an sinh xã hội. Thành tựu này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy sự phát triển bền vững và tạo tiền đề vững chắc cho các mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh./.

Tác giả: Hương Giang, Phòng BTXH&TE

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay1,144
  • Tháng hiện tại47,678
  • Tổng lượt truy cập3,810,141
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây