Dự án Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo đã triển khai 11 hoạt động với tổng vốn 2,35 tỷ đồng, hỗ trợ 80 hộ dân. Các hoạt động bao gồm 08 dự án nuôi bò sinh sản, 02 dự án xe điện ba bánh và 01 dự án xe gắn máy. Trong số này, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1.410,3 triệu đồng, còn lại 940,2 triệu đồng là kinh phí đối ứng từ người dân. Đến nay, 100% nguồn vốn đã được giải ngân, điều này chứng tỏ tính hiệu quả và sự kịp thời trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống.
Tiếp theo, Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong đó tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã hỗ trợ 9 dự án chăn nuôi bò sinh sản cho 54 hộ dân với tổng vốn 1.508 triệu đồng, người dân đối ứng 604 triệu đồng. Toàn bộ nguồn vốn của tiểu dự án này đã được giải ngân 100%, khẳng định sự thành công trong việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tiểu dự án Cải thiện dinh dưỡng trong khuôn khổ dự án này hiện vẫn chưa được giải ngân.
Đối với Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, huyện đã tổ chức khai giảng 10 lớp đào tạo nghề, thu hút tổng cộng 300 học viên, bao gồm các lớp kỹ thuật chăn nuôi bò, nấu ăn, trồng nấm, pha chế, trồng lúa và rau sạch. Đến nay, đã giải ngân 588,6 triệu đồng, đạt 49,26% tổng vốn. Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững đã tổ chức hội nghị tập huấn về thu thập, cập nhật thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với tổng kinh phí 28,3 triệu đồng.
Trong khuôn khổ dự án Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình, tiểu dự án Nâng cao năng lực thực hiện chương trình có tổng nguồn vốn 56,45 triệu đồng. Đến nay, đã giải ngân 14,4 triệu đồng, đạt tỷ lệ 25,51%. Trong khi đó, tiểu dự án giám sát và đánh giá có tổng nguồn vốn 60,65 triệu đồng. UBND huyện đã phân bổ nguồn kinh phí cho các đơn vị và UBND các xã, thị trấn để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa giải ngân nguồn vốn này. Mặc dù tỷ lệ giải ngân còn thấp, nhưng dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các hoạt động giảm nghèo.
Tính đến hết tháng 6 năm 2024, tổng vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được giải ngân đạt 2,92 tỷ đồng, tương đương 59% tổng vốn dự kiến. Kết quả này minh chứng cho sự nỗ lực và hiệu quả trong việc triển khai các dự án, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững tại huyện Bến Cầu.
Bên cạnh các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Bến Cầu còn thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo cụ thể:
Chính sách về nhà ở, trong năm 2024, huyện đã đề xuất xây mới và sửa chữa 51 căn nhà đại đoàn kết (37 căn xây mới và 14 căn sửa chữa). Đợt 1 đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 31 căn nhà, với tổng kinh phí 1,33 tỷ đồng. Công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã huy động được 1,073 tỷ đồng tính đến tháng 6.2024, giúp cải thiện điều kiện sống của nhiều hộ gia đình.
Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế: thực hiện cấp 11.821 thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, bao gồm: hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương, hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh, các đối tượng chính sách khác, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 06 tuổi và các hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp. Chính sách này góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi y tế và sức khỏe cho các đối tượng yếu thế.
Chính sách vay vốn tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân vốn vay cho 1.837 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khó khăn, với tổng số tiền đạt 57,512 tỷ đồng. Khoản vay này hỗ trợ các hộ gia đình đầu tư vào sản xuất và cải thiện đời sống.
Chính sách hỗ trợ đối tượng hộ không có khả năng thoát nghèo, huyện đã hỗ trợ kinh phí cho 542 lượt đối tượng thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo, với tổng số tiền 643,492 triệu đồng. Chính sách này giúp các hộ gia đình khó khăn duy trì cuộc sống ổn định.
Bà Trần Thị Tánh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Cầu, cho biết: “Với nhiệm vụ được giao, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu cho UBND huyện trong việc triển khai các dự án nhằm cải thiện điều kiện sống của các hộ nghèo trên địa bàn. Chúng tôi rất vui mừng với những kết quả tích cực từ các dự án như Dự án Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, đã hoàn thành việc giải ngân 100% vốn và Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, với toàn bộ vốn đầu tư được giải ngân cho các hoạt động chăn nuôi bò sinh sản. Ngoài việc giải ngân vốn, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ bảo hiểm y tế... Những chính sách này góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức rằng còn nhiều thách thức và khoảng cách cần phải khắc phục. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và các tổ chức liên quan để triển triển khai một cách hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Thành công của các dự án không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực tài chính, mà còn vào sự đồng lòng và nỗ lực của cộng đồng”.
Những kết quả đạt được từ các dự án và chính sách giảm nghèo của huyện Bến Cầu trong nửa đầu năm 2024 đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và cộng đồng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Những nỗ lực này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết và quyết tâm của huyện Bến Cầu trong công tác giảm nghèo bền vững.
Tác giả: Hương Giang, Phòng BTXH &TE
Ý kiến bạn đọc