Đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 18/03/2024 08:31 832 0
Ngày 31.1.2024, UBND tỉnh có Quyết định số 263 ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

 

Giờ học tại Trung tâm GDNN-GDTX Châu Thành (thời điểm trước khi sáp nhập).

Sự cần thiết của đề án

Thời gian qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập được rà soát, sáp nhập để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xã hội hoá đạt được kết quả bước đầu đã thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quy mô tuyển sinh, ngành nghề, chất lượng đào tạo ngày càng nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Năm 2023, dân số của tỉnh đạt 1.194.905 người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 680.609 người, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 669.765 người, chiếm tỷ lệ 56,05%. Dự báo đến năm 2025, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế đạt khoảng 700.000 người (tăng khoảng 30.235 người so với năm 2023); lao động từ 15 tuổi trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2025 đạt khoảng 210.000 người (năm 2023 đạt 187.534 người).

Đến năm 2030, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế ước đạt khoảng 780.000 người (tăng 80.000 người so với năm 2025); lao động từ 15 tuổi trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 273.000 người (tăng 63.000 người so với năm 2025). Nhu cầu lao động qua đào tạo đến năm 2030 là 85.466 lao động, bình quân mỗi năm các cơ sở đào tạo cung ứng cho thị trường lao động là 12.209 (hiện đạt 10.312 người).

Để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, việc xây dựng Đề án “Đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là cần thiết.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Tây Ninh hiện có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả trong và ngoài công lập. Cơ sở công lập gồm: Trường cao đẳng nghề Tây Ninh, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh, Trường trung cấp Y tế Tây Ninh, Trung tâm DVVL-GDNN tỉnh Tây Ninh, Trung tâm GDNN-GDTX cụm thành phố Tây Ninh và 6 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.

Trường cao đẳng nghề Tây Ninh và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh mỗi năm tuyển sinh, đào tạo 6 chương trình hệ cao đẳng và 15 chương trình hệ trung cấp với số lượng trên 1.500 học sinh sinh viên (HSSV). Đây là 2 cơ sở cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo cho doanh nghiệp nhiều nhất, hoạt động hiệu quả nhất. Trường trung cấp Y tế Tây Ninh đang đào tạo chương trình hệ trung cấp các ngành điều dưỡng, dược, hộ sinh, mỗi năm khoảng 100 chỉ tiêu và 2 ngành hệ trung cấp vừa làm vừa học gồm dược và y sĩ, mỗi năm tuyển sinh 80 chỉ tiêu. Trung tâm DVVL-GDNN tỉnh Tây Ninh đào tạo trình độ sơ cấp nghề lái xe ô tô các hạng, mỗi năm tuyển sinh, đào tạo khoảng 1.000 học viên. Đối với các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, hiện nay các trung tâm không có giáo viên cơ hữu dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, thiếu cơ sở vật chất, thiếu thiết bị đào tạo, nên chức năng đào tạo nghề không thực hiện được.

Cơ sở tư thục gồm có Trường trung cấp Tân Bách Khoa, Trường trung cấp Á Châu, Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt, Trung tâm đào tạo lái xe ô tô Tây Ninh, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp 3T-Tây Ninh, Công ty cổ phần đầu tư phát triển và giáo dục TPA (đăng ký hoạt động GDNN).

Về hiệu quả đào tạo, Trường trung cấp Tân Bách Khoa nhiều năm tuyển không đủ chỉ tiêu, diện tích đất không bảo đảm theo quy định, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị đào tạo lạc hậu, cán bộ quản lý các phòng, khoa và đội ngũ giáo viên cơ hữu thiếu, chủ yếu liên kết đào tạo với các trường cao đẳng, đại học để tuyển sinh, đào tạo hình thức vừa làm vừa học trình độ cao đẳng, đại học, nhưng số lượng không đáng kể. Trường trung cấp Á Châu (gồm 2 cơ sở) đào tạo hệ trung cấp, sơ cấp, quy mô tuyển sinh hằng năm khoảng 500 học sinh. Hiện nay, nhà trường diện tích sử dụng chưa bảo đảm theo quy định, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo có quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn lạc hậu, cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo còn thiếu so với yêu cầu. Trung tâm GDNN 3T-Tây Ninh, chức năng đào tạo trình độ sơ cấp nghề, kể từ khi thành lập cho đến nay không tuyển sinh, đào tạo được, cơ sở vật chất đi thuê. Công ty cổ phần đầu tư phát triển và giáo dục TPA đăng ký hoạt động đào tạo nghề trình độ sơ cấp, quy mô tuyển sinh, đào tạo hằng năm 130 người; trụ sở đi thuê, giáo viên cơ hữu thiếu, chủ yếu hợp đồng giáo viên thỉnh giảng; hằng năm, công ty có tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt và Trung tâm đào tạo lái xe ô tô Tây Ninh hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe ô tô các hạng, quy mô tuyển sinh, đào tạo hằng năm bình quân 3.000 học viên/đơn vị. Số lượng đào tạo nhiều nhưng lực lượng này phần lớn đã có việc làm ổn định, do đó, không đóng góp nhiều cho doanh nghiệp.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2024-2030 là 190.123.000.000 đồng.
Trong đó:
 - Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập mới 2 trường tư thục 150.000.000.000 đồng.
- Ngân sách tỉnh đầu tư cho các trường công lập 24.530.000.000 đồng.
- Quỹ phát triển nhà trường, quỹ phát triển nghề nghiệp 4.680.000.000 đồng.
 - Cơ sở đào tạo ngoài công lập 10.913.000.000 đồng.

Mục tiêu cụ thể

“Đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Tuyển mới đào tạo cho khoảng 13.000 người/năm, trong đó trình độ cao đẳng chiếm khoảng 10%, trung cấp khoảng 25%, sơ cấp khoảng 65%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Các cơ sở đào tạo liên kết đào tạo các ngành, nghề trình độ từ cao đẳng trở lên cho khoảng 500 người/năm. Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại. Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và 50% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.

Phấn đấu 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia. Có 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm quốc gia của Trường cao đẳng nghề Tây Ninh đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng (dự kiến 5 ngành, nghề trọng điểm). Các ngành, nghề trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tổ chức đào tạo, trong đó 1-2 ngành nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong nước. Đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao; trở thành địa phương phát triển về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực và cả nước, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo”- đề án đề ra mục tiêu tổng quát và cụ thể.

Kêu gọi xây trường cao đẳng

Theo kế hoạch, đến năm 2030, mạng lưới cơ sở GDNN Tây Ninh giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2023 (giảm 4 TTGDNN-GDTX cấp huyện)  và nâng tỷ lệ cơ sở GDNN tư thục bảo đảm cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Cơ sở công lập tranh thủ nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh ưu tiên đầu tư nâng cấp Trường cao đẳng nghề Tây Ninh đến năm 2030 đạt chuẩn trường chất lượng cao. Hoàn thiện đề án trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định nâng cấp Trường trung cấp Y tế Tây Ninh thành Trường cao đẳng Y tế trước năm 2025. Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh, bố trí ngân sách Nhà nước, kinh phí xã hội hoá để nâng quy mô, chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Tiếp tục sáp nhập các trung tâm GDNN-GDTX huyện, thị xã thành Cụm trung tâm GDNN-GDTX khu vực còn lại bảo đảm hoạt động hiệu quả, phù hợp với nhu cầu học tập”- giải pháp thực hiện của đề án.

Đối với cơ sở tư thục, có cơ chế, chính sách kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính, có uy tín đầu tư thành lập 1 trường trung cấp ngoài công lập tại Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu và thành lập 1 trường cao đẳng ngoài công lập tại khu vực cầu K13 thuộc huyện Dương Minh Châu.

(Nguồn: Baotayninh.vn)

Tác giả: S? lao ??ng Qu?n tr?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay2,398
  • Tháng hiện tại38,568
  • Tổng lượt truy cập3,869,821
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây