Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Thứ ba - 26/11/2024 09:18 339 0
Nhằm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các đối tượng được thụ hưởng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội biên soạn cuốn Cẩm Nang Tuyên Truyền, nội dung cập nhật các chính sách có liên quan về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.Các nội dung biên soạn theo hình thức Hỏi – Đáp, được trình bày ngắn gọn, xúc tích, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, qua đó giúp các địa phương, đơn vị có liên quan và người lao động biết, thực hiện.

I. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ

Câu hỏi số 1: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững[1]: quy định đối tượng nào được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng?

Trả lời:

Tại khoản 1 Điều 68 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp cụ thể như sau:

a) Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học;

b) Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên;

c) Mức hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của UBND tỉnh tại Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 không quá 1.900.000 đồng/người/khóa học.

d) Hình thức hỗ trợ: Kinh phí thực hiện đào tạo nghề cấp cho cơ sở đào tạo nghề, cơ sở đào tạo có trách nhiệm thanh toán tiền ăn, tiền đi lại cho người học theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.

Câu hỏi số 2: Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng được áp dụng cho đối tượng nào?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng quy định:

- Đối tượng áp dụng: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng. Trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.

- Chính sách hỗ trợ đào tạo (bao gồm chi phí đào tạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại) được áp dụng như tại điểm a,b,c của câu số 01. Riêng đối với người khuyết tật tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, mức hỗ trợ từ 2.100.000 đến 4.800.000 đồng/người/khóa học.

Hình ảnh Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề cho lao động nôn thông
Hình ảnh Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề lao động nông thôn

Câu hỏi số 3: Hộ cận nghèo có tiêu chí thu nhập bằng hộ nghèo. Vậy người thuộc hộ cận nghèo có được hưởng chính sách hỗ trợ về học phí như người thuộc hộ nghèo không?

Trả lời:

Tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã quy định về chính sách miễn, giảm học phí cho trẻ em, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với các định mức hỗ trợ quy định riêng đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo. Cụ thể:

- Khoản 4 Điều 15 về đối tượng được miễn học phí quy định: “Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.”

- Khoản 12 Điều 15 về đối tượng được miễn học phí quy định: “Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.

- Điểm b khoản 2 Điều 16 về đối tượng được giảm 50% học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí quy định: “Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.

Hình ảnh Lao động thuộc hộ nghèo - hộ cận nghèo được hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế
Hình ảnh Lao động thuộc hộ nghèo - hộ cận nghèo được hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế
Hình ảnh Lao động thuộc hộ nghèo - hộ cận nghèo được hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế

Câu hỏi số 4: Ngoài đối tượng hộ nghèo và hộ cận nghèo được miễn học phí theo quy định, các đối tượng khác có được miễn học phí hay không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã quy định:

- Khoản 13 Điều 15 đối tượng được miễn học phí quy định: “Sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

- Khoản 14 Điều 15 quy định đối tượng được miễn học phí: “ Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và giải phẩu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước”.

- Khoản 17 Điều 15 quy định đối tượng được miễn học phí: “Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp (bao gồm người học có thời gian gián đoạn)”.

- Khoản 18 Điều 15 quy định đối tượng được miễn học phí: “Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định”.

- Khoản 19 Điều 15 quy định đối tượng được miễn học phí: “Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Lễ Bế giảng trao bằng tốt nghiệp tại Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Tây Ninh
Lễ Bế giảng trao bằng tốt nghiệp tại Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Tây Ninh

Câu hỏi số 5: Học sinh, sinh viên học các ngành, nghề nào thì được giảm 70% học phí ?

Trả lời:

- Điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định đối tượng được giảm học phí “Học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa – nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống”.

- Điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định đối tượng được giảm học phí: “Học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định”.

Hình ảnh Lễ trao bằng tốt nghiệp và giới thiệu việc làm năm 2024

Câu hỏi số 6: Đối tượng nào thì được hưởng chính sách giảm 50% học phí ?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định đối tượng được giảm 50% học phí gồm:

a) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.

b) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Câu hỏi số 7: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an trở về địa phương được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cụ thể là gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm thì thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

- Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

- Nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ:

+ Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

 + Vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

+ Được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp Thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp.

Hình ảnh tư vấn học nghề, giải quyết việc làm cho TN công an năm 2024
Hình ảnh tư vấn học nghề, giải quyết việc làm cho TN công an xuất ngũ năm 2024

Câu hỏi số 8: Lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng có đúng không?

Trả lời:

Nghị định định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định:

a) Đối tượng hỗ trợ

- Lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục.

- Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ở các địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

b) Mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề

- Lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia khóa đào tạo nghề được miễn chi phí đào tạo nhưng tối đa không qua 02 triệu đồng/người/khóa học. Mức hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt danh  mục nghề đào tạo, mức chi phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; mỗi người chỉ được hỗ trợ một lần.

- Các chi phí còn lại để tham gia khóa đào tạo nghề do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, bao gồm: Phần chênh lệch trong trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức quy định; tiền ăn, tiền đi lại và các chi phí khác phát sinh khi người lao động tham gia khóa đào tạo.

Câu hỏi số 9: Phạm nhân đang trong thời gian chấp hành án phạt tù có được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề hay không?

Trả lời:

Tại Điều 15 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định chế độ học nghề của phạm nhân, cụ thể:

1. Căn cứ vào khả năng, trình độ văn hóa, sức khỏe, giới tính của phạm nhân, thị trường lao động, điều kiện cụ thể và khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân, trại giam tổ chức dạy những nghề phổ thông, đơn giản hoặc tổ chức bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho phạm nhân; trại giam hợp tác với các cơ sở GDNN hoặc trung tâm GDNN (có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật) để tổ chức dạy nghề, nâng cao tay nghề, truyền nghề cho phạm nhân.

2. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân trong độ tuổi thanh niên đến 30 tuổi chưa có nghề nghiệp, phạm nhân có mức án dưới 05 năm và chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được ưu tiên bố trí học nghề, nâng cao tay nghề. Mỗi phạm nhân chỉ được học 01 nghề.

Như vậy, phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được trại giam tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp hoặc đào tạo dưới 03 tháng.

Câu hỏi số 10: Người chấp hành xong án phạt tù có được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm hay không?

Trả lời:

Tại Điều 11 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng quy định đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, cụ thể:

1. Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.

2. Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

3. Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

4. Căn cứ nhu cầu của người chấp hành xong án phạt tù và thực tiễn thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong án phạt tù; theo dõi, báo cáo tình trạng việc làm của người chấp hành xong án phạt tù do trung tâm giới thiệu với cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ việc làm.

Câu hỏi số 11: Người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không?

Trả lời:

Tại Điều 3 Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ  tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, quy định:

1. Đối tượng vay vốn

a) Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật đặc xá.

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

2. Điều kiện vay vốn

a) Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các TNXH, do Công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa 05 năm.

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm a và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được UBND cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.

- Đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức cho vay tối đa 04 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.

- Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm

+ Người chấp hành xong án phạt tù: Mức vốn vay tối đa 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù.

 + Cơ sở sản xuất, kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Câu hỏi số 12: Học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có nhu cầu được vay vốn tín dụng cần đáp ứng các điều kiện gì?

Trả lời:

Khoản 2, khoản 3 Điều 2 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và khoản 1 Điều 1 Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên quy định:

- Đối tượng vay vốn: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm: (i) Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; (ii) Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật, Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật, Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật; (iii) Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học.

- Phương thức cho vay: (i) Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình; (ii) Mức cho vay tối đa là 4.000.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay quy định; (iii) Lãi suất cho vay là 0,5%/tháng.Điểm neo

- Điều kiện vay vốn: (i) Học sinh, sinh viên đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn quy định; (ii) Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; (iii) Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

II. CHÍNH SÁCH VỀ VIỆC LÀM

Câu hỏi số 1

Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ cho những đối tượng nào?

Trả lời:

Điểm c khoản 4 Mục III Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 quy định đối tượng áp dụng thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững bao gồm:

- Người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

- Người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

- Các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo và cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Hình ảnh Sàn giao dịch việc làm tổ chức tại Trung tâm DVVL
Hình ảnh Sàn giao dịch việc làm năm 2024
Hình ảnh Ngày hội việc làm năm 2023 tổ chức tại Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh

Câu hỏi số 2

Cho biết nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025? Cách thức triển khai thực hiện?

Trả lời:

Tiểu dự án 3 Dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung hỗ trợ gồm: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu.

Theo Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và hướng dẫn tại Công văn số 3617/LĐTBXH-VL ngày 19/9/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc thực hiện như sau:

1. Về hiện đại hóa thị trường lao động

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ hiện trạng, nhu cầu của địa phương để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (bao gồm cả phần cứng, phần mềm) bảo đảm phục vụ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thu thập, phân tích, dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động.

2. Về xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến và cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 586/QĐ-LĐTBXH ngay 30/6/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tăng cường kết nối cung - cầu lao động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 ca Chính phủ, Quyết định số 913/QĐ-LĐTBXH ngày 05/8/2022 phê duyệt dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm giai đoạn 2021-2025" và Quyết định số 985/QĐ-LĐTBXH ngày 26/8/2021 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Bảo hiểm thất nghiệp” trong đó có phần mềm giao dịch việc làm trực tuyến và phần mềm có tính năng thu thập thông tin việc tìm người - người tìm việc thống nhất sử dụng toàn quốc.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần căn cứ hiện trạng, nhu  cầu địa phương đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (phần cứng) bảo đảm phục vụ hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến và thu thập, cập nhật, lưu trữ, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin về việc tìm người - người tìm việc.

3. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các đơn vị cần căn cứ hiện trạng, nhu cầu của địa phương đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (phần cứng) bảo đảm phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg.

Câu hỏi số 3

          Chỉ các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo mới được thực hiện Tiểu dự án 3 Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Hiểu như vậy có đúng không?

Trả lời:

Tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 quy định đối tượng áp dụng gồm:

1. Người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

2. Người lao động sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

3. Trung tâm Dịch vụ việc làm.

4. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

5. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

6. Cơ quan, tổ chức có liên quan.

Do vậy, Trung tâm dịch vụ việc làm ở tất cả các địa phương đều thuộc đối tượng thực hiện Tiểu dự án 3 Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Câu hỏi số 4

Người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì có được hỗ trợ nguồn vốn vay nào để ký quỹ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài hay không?

Trả lời:

Tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 74/2024/NQ-HĐND ngày 28/5/2024 của HĐND tỉnh quy định một số đối tượng chính sách khác tại địa phương được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh quy định như sau:

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam, có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được vay vốn để ký quỹ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

Riêng đối với người lao động thuộc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam, có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thuộc 20 xã biên giới thì được vay vốn để ký quỹ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và chi trả các khoản chi phí được ghi trong hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.

Như vậy, khi người lao động là công dân Việt Nam có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nhu cầu vay vốn để ký quỹ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài thì có thể liên hệ đến Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để được hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn theo quy định.

Câu hỏi số 5.

Được biết Ngân hàng Chính sách xã hội có Chương trình cho vay để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động, vậy những đối tượng nào được vay nguồn vốn này?

Trả lời

1. Đối tượng vay vốn

Tại Điều 20 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm quy định đối tượng được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm bao gồm:

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh).

- Người lao động.

Ngoài ra, tại Điều 3 Nghị quyết số 74/2024/NQ-HĐND ngày 28/5/2024 của HĐND tỉnh quy định một số đối tượng chính sách khác tại địa phương được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh quy định các đối tượng được vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm gồm: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân, thanh niên tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ thực hiện theo chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thời gian sau khi hoàn thành nghĩa vụ không quá 36 tháng được vay vốn để giải quyết việc làm.

2. Mức vay vốn

a) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

b) Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.

c) Mức vay cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

Hình ảnh Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm năm 2024 tại huyện Châu Thành.
Vay vốn duy trì, mở rộng sản xuất
Vay vốn duy trì, mở rộng sản xuất

SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TÂY NINH

Số 138 Trần Hưng Đạo, Phường 1, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh

Điện thoại: 0276.3829 363; Website:http://soldtbxh.tayninh.gov.vn

Email: soldtbxh@tayninh.gov.vn

 

[1] Giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay472
  • Tháng hiện tại37,750
  • Tổng lượt truy cập3,928,048
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây