Bảo hiểm an toàn lao động, bệnh nghề nghề góp phần đảm bảo tốt nhất đời sống cho người lao động
Luật ATVSLĐ quy định người sử dụng lao động hằng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Ngoài các nội dung chính được quy định từ trong Luật BHXH nhằm chi trả, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ, BNN, Luật ATVSLĐ bổ sung thêm các nội dung: Điều 55. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc và Điều 56. Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN. Để triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định và hướng dẫn một số điều của Luật ATVSLĐ về Bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; Nghị định 44/2017/NĐ-CP về điều chỉnh giảm mức đóng. Bộ LĐTBXH cũng đã ban hành Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc. Năm 2017, căn cứ vào thực tế tồn dư Quỹ TNLĐ, BNN để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm ngân sách nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ giảm mức đóng từ 1% trên quỹ tiền lương xuống còn 0,5% trên quỹ tiền lương. Với chính sách này, mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước gần 1.000 tỷ đồng và cho doanh nghiệp gần 3.000 tỷ đồng.
Cụ thể, về đối tượng áp dụng, Luật ATVSLĐ bổ sung đối tượng NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. Các quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ không thay đổi, tuy nhiên, có bổ sung và luật hóa một số nội dung. Đó là, bổ sung quy định chi tiết đối với 2 trường hợp bị TNLĐ: Trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ cũng bổ sung điều khoản quy định trường hợp NLĐ không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân: Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Đối với BNN, các quy định về điều kiện hưởng chế độ BNN cũng bổ sung trường hợp NLĐ khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các ngành, nghề, công việc có nguy cơ bị BNN thuộc danh mục do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà phát hiện bị BNN thì việc giám định và giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.
Cùng với đó, hồ sơ giải quyết chế độ TNLĐ, BNN có sự thay đổi đáng kể, đã loại bỏ thành phần hồ sơ là thành phần Biên bản điều tra TNLĐ trong giải quyết hưởng chế độ TNLĐ và Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại trong giải quyết hưởng chế độ BNN.
Đến thời điểm này, Nghị định sửa đổi Nghị định số 37/2016/NĐ-CP đã trình Chính phủ ban hành theo hướng bỏ bớt thủ tục hành chính; quy định rõ hơn, thuận lợi hơn mức hỗ trợ (cao hơn); quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm TNLĐ, BNN... Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, góp phần đảm bảo an toàn, trật tự, phát triển xã hội.
(Nguồn: Molisa.gov.vn)