Báo cáo tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng cho biết, sau năm đầu tiên phát động Tháng hành động về ATVSLĐ đã có những chuyển biến quan trọng trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo sức khỏe người lao động. Các doanh nghiệp, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) đã tăng cường đầu tư máy, thiết bị, đổi mới công nghệ mới để cải thiện điều kiện lao động.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn lao động và công đoàn các cấp có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo chí trong cả nước đã viết nhiều bài, phóng sự đưa tin biểu dương kịp thời những mô hình hay, cách làm tốt, tấm gương cá nhân tiêu biểu, đồng thời phê phán những đơn vị, cá nhân có nhiều vi phạm về ATVSLĐ tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc tuyên bố phát động tháng hành động ATVSLĐ
Các hoạt động kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ, quan trắc môi trường lao động và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được xã hội hóa với hàng trăm đơn vị, tổ chức tham gia phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp. Năm 2017 có khoảng gần 3 triệu thiết bị được kiểm định, gần 4 triệu người được huấn luyện ATVSLĐ; gần 5.500 cơ sở được quan trắc môi trường lao động với trên 900.000 mẫu; trên 2 triệu người được khám sức khỏe định kỳ; tăng gần 43% so với năm 2016. Số người lao động đạt sức khỏe loại I và loại II chiếm gần 70%. Từ sự chuyển biến về ý thức, nhận thức đến những hành động cụ thể, thiết thực nêu trên, tần suất TNLĐ-BNN trong giai đoạn 2011-2016 đã giảm gần 5% so với giai đoạn 2006-2010 và tiếp tục giảm trong năm 2017.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại hạn chế, cụ thể là, năm 2017, trên toàn quốc vẫn còn xảy ra nhiều tai nạn lao động với gần 9.000 vụ TNLĐ làm 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. So với năm 2016, số vụ TNLĐ ở khu vực có hợp đồng lao động tăng 2%, số người bị TNLĐ tăng hơn 1% nhưng số vụ TNLĐ chết người, số người chết do TNLĐ giảm hơn 6%.
Năm 2017, phát hiện hơn 3.802 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, tăng 500 trường hợp so với năm 2016. Số cơ sở quan trắc môi trường lao động còn ít, tỷ lệ mẫu quan trắc môi trường lao động vượt tiêu chuẩn cho phép là 6,4%, số người lao động khám sức khỏe định kì còn ít.
Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân chính của các vụ tai nạn do chủ quan của con người vẫn chiếm tới 60% như: Không có, hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn; không hoặc huấn luyện thiếu về ATVSLĐ; không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; vi phạm quy trình, quy chuẩn ATVSLĐ.
Bà Nguyễn Thị Thu phát biểu hưởng ứng Tháng hành động vệ sinh an toàn lao động năm 2018
Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” được phát động với mục tiêu cao nhất là chăm lo và bảo vệ sinh mạng và sức khoẻ người lao động, an sinh của người dân, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Lễ phát động diễn ra trong tháng công nhân 2018, là dịp để đánh giá lại kết quả thời gian qua, triển khai các chủ trương giải pháp lớn của Đảng, nhà nước về lĩnh vực này. Đảm bảo Tháng hành động diễn ra vào thời điểm Hội nghị Trung ương 7 sẽ bàn và đưa ra những quyết sách lớn liên quan đến người lao động, nhất là trong lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Đảng, nhà nước luôn đặt lợi ích, sức khỏe, tính mạng người lao động lên trên hết. “Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo điều kiện lao động, sức khỏe, tính mạng người lao động. Chúng ta hãy chung tay hành động vì an toàn vệ sinh lao động cho tôi, cho bạn và cho tất cả chúng ta”.
Tuyên bố hưởng ứng tháng hành động vì ATVSLĐ trên địa bàn thành phố, Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố luôn chú trọng đến công tác ATVSLĐ và sẽ có những hành động cụ thể để chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, qua đó kêu gọi mọi người cần chung tay hành động thiết thực, hiệu quả vì lợi ích cho đơn vị mình và cho chính bản thân mình.
Năm 2019, Quảng Nam sẽ là đơn vị đăng cai tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động.
Cũng trong chương trình, Bộ LĐ-TBXH, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trao tặng Bằng khen và Cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ.
Trước đó, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, UBND TP HCM cũng đã khai mạc triển lãm tranh ảnh với chủ đề "An toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và các đại biểu cắt băng khánh thành triển lãm ảnh
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh
(Nguồn www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc