Cục Quan hệ lao động và Tiền lương tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2018

Thứ năm - 25/01/2018 15:10 871 0
Chiều ngày 22/01/2018, tại Trụ sở Bộ, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2018. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

atld1.JPG

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Tống Thị Minh cho biết, năm 2017, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có nhiều thuận lợi. Cục được thành lập thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt là Lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực lao động và tiền lương, quan hệ  lao động, tạo điều kiện cho Cục trong việc chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về lao động và quan hệ lao động, tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ và phát triển quan hệ lao động đạt kết quả; Đội ngũ cán bộ của Cục từng bước trưởng thành, tận tâm, tận tụy với công việc, phát huy truyền thống đoàn kết, hoàn thành  nhiệm vụ được giao.

Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Tống Thị Minh báo cáo tại Hội nghị

Về nghiên cứu, đề xuất chính sách, xây dựng văn bản pháp luật: Cục đã tập trung nghiên cứu những vấn đề mang tính chiến lược, dài hạn để hoàn thiện các quy định về lao động, tiền lương và quan hệ lao động để đề xuất chính sách phù hợp với tình hình mới; Rà soát, đánh giá các nội dung về lao động, tiền lương và quan hệ lao động trong Bộ Luật lao động nhằm khắc phục những bất cập sau 03 năm thực hiện, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật có liên quan và đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập; Hoàn thành kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật đảm bảo tiến độ và chất lượng yêu cầu; Nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ mới theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ giao cho Cục năm 2017, đảm bảo hoạt động cấp phép cho thuê lại lao động được triển khai; Nghiên cứu những vướng mắc, bức xúc trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn Bộ Luật lao động đề xuất, sửa đổi năm 2018.

Về tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách lao động: Qua kiểm tra tình hình thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, có 96,8% người lao động được ký hợp đồng lao động, đa số các doanh nghiệp có từ 10 lao động đã xây dựng nội quy lao động và thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương; việc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động cơ bản thực hiện đúng quy trình và thủ tục theo quy định. Tham gia góp ý phương án cổ phần hóa cho 38 doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế thực hiện cổ phần hóa.

Về tiền lương, Cục đã hướng dẫn, triển khai thực hiện các Nghị định số 51, 52, 53/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có đôn đốc các Bộ, ngành địa phương chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty nhà nước xác định quỹ tiền lương thực hiện năm 2016 và kế hoạch năm 2017 theo quy định của Chính phủ; Hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP, nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về tiền lương; Phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tổ chức kiểm tra nắm tình hình thực hiện chính sách tiền lương ở 10 quỹ đầu tư phát triển địa phương, 10 công ty xổ số kiến thiết và một số Tập đoàn; Tổng công ty, công ty nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, Giao thông vận tải, Bộ công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết quả kiểm tra đã kịp thời hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương khắc phục một số hạn chế, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Về quan hệ lao động, Cục đã hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ về quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Phối hợp với tổ chức công đoàn hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thương lượn, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Tính hết tháng 10/2016 đã có 27.049 bản thỏa ước lao động tập thể được kỷ kết, đạt tỷ lệ 20% số doanh nghiệp có khả năng thành lập công đoàn và chiếm 71% số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó loại A chiếm 10,72%  (giảm 25,24% so với năm 2015), loại B chiếm 16,7% (giảm 9,98% so với năm 2015), loại C chiếm 28,3% (tăng 14,85% so với năm 2015), loại D chiếm 21,57% (tăng 15,59% so với năm 2015) và số thỏa ước lao động tập thể không được phân loại là 23,18% (tăng 4,54% so với năm 2015). Cục đã tổ chức triển khai thực hiện đề án Hòa giải viên lao động. Tính đến 31/12/2017, theo số liệu báo cáo thống kê của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số hòa giải viên lao động được chính thức bổ nhiệm là 1.394 người. Theo dõi, tổng hợp tình hình tranh chấp lao động và đình công, trong năm 2017 cả nước đã xảy ra 164 cuộc đình công, giảm 78 cuộc so với cùng kỳ năm 2016. Kiểm tra tình hình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quan hệ lao động tại 5 tình, thành phố trực thuộc trung ương. Qua kiểm tra cho thấy các địa phương đẫ thực hiện tốt vai trò tham mưu đề xuất cho UBND ban hành nhiều  biện pháp để tăng cường quản lý nhà nước về quan hệ lao động, phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh triển khai thực hiện chương trình thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp ghi nhận và đánh giá cao những kết quả thực hiện nhiệm vụ của Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương trong năm 2017. Cục đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách, xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến tiền lương. Trong năm 2017, nhiệm vụ của Cục có vai trò rất quan trọng đó là xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực sản xuất, kinh doanh. Thứ trưởng cũng cho rằng, trong năm qua, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cũng triển khai rất tốt việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn, rà soát, đánh giá đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong Bộ luật Lao động 2012 thuộc lĩnh vực chuyên môn của Cục, đồng thời chuẩn bị các Nghị định triển khai thực hiện theo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi). Cục cũng kịp thời phát hiện những bất cập của một số văn bản quy phạm pháp luật về lao động, tiền lương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Về triển khai hướng dẫn các quy định của pháp luật lao động kiểm tra, giám sát về tình hình thực hiện lao động - tiền lương trong các doanh nghiệp Cục cũng triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội nghị

Về nhiệm vụ trong năm 2018, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cần xây dựng mối quan hệ lao động thực chất hơn, hài hòa, ổn định hơn. Xây dựng báo cáo quan hệ lao động năm 2017, trên cơ sở đó đánh giá thực trạng về quan hệ lao động Việt Nam, làm cơ sở để đề ra các giải pháp thúc đẩy quan hệ lao động trong thời gian tới, chủ động, nghiên cứu xây dựng tổ chức đại diện người lao động…Thứ trưởng cũng lưu ý, năm 2018 liên quan đến vấn đề sửa đổi Bộ Luật lao động sẽ có rất nhiều tư tưởng mới trong cải cách chính sách tiền lương, với sự xuất hiện tổ chức đại diện của người lao động bên cạnh công đoàn nên có rất nhiều vấn đề mới phát sinh trong quan hệ lao động cần phải nghiên cứu một cách thỏa đáng.

Đồng thời Cục cũng cần chuẩn bị các căn cứ lý luận, thực tiễn, đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2018 để phục vụ Hội đồng Tiền lương quốc gia thương lượng, đề xuất Chính phủ về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2019; nghiên cứu việc quy định mức lương tối thiểu theo giờ đối với công việc làm không trọn thời gian; Triển khai đúng chất lượng, tiến độ cuộc khảo sát chuyên đề về tiền lương trong doanh nghiệp năm 2018, làm cơ sở cho điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2019...

(Nguồn: www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay1,953
  • Tháng hiện tại38,123
  • Tổng lượt truy cập3,869,376
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây