Thứ trưởng Phạm Minh Huân chủ trì Hội nghị lấy ý kiến điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp năm 2013

Thứ năm - 30/08/2012 14:55 791 0
Sáng ngày 23/8/2012, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp năm 2013. Thứ trưởng Phạm Minh Huân dự và chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện VCCI – Chi nhánh TPHCM, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố và các Ban quản lý khu chế xuất – Khu công nghiệp cùng các ban ngành liên quan thuộc khu vực phía Nam.

 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng: Mục tiêu của việc điều chỉnh mức lương tối thiểu (MLTT) là phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động. Trước thực tế tình hình nền kinh tế ngày càng khó khăn nên với hai phương án điều chỉnh MLTT cần phải cân nhắc kỹ. Cụ thể, với phương án 1, MLTT áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng 1 dự kiến tăng từ 2.000.000 đồng/tháng hiện nay lên 2.700.000 đồng/tháng; các DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng 2 tăng từ 1.780.000 đồng lên 2.400.000 đồng, còn các DN hoạt động ở vùng 3 tăng từ 1.550.000 đồng lên 2.130.000 đồng và các DN hoạt động ở vùng 4 tăng từ 1.400.000 đồng lên 1.930.000 đồng. Còn ở phương án 2, tương tự mức điều chỉnh của vùng 1 sẽ là 2.500.000 đồng, vùng 2 là 2.250.000 đồng, vùng 3 là 1.950.000 đồng và vùng 4 là 1.800.000 đồng.  Quá trình điều chỉnh sẽ có nhiều ý kiến khác nhau vì vừa phải đảm bảo đời sống người lao động và vừa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp…Do đó, hội nghị phải tập trung thảo luận ở mức điều chỉnh và thời gian điều chỉnh sao cho phù hợp để từ đó xem xét trình lên Chính phủ trong thời gian tới. 

 

Theo ông Hoàng Minh Hào – Phó Vụ trưởng Vụ lao động - tiền lương, trước tình hình chỉ số giá cả sinh hoạt tăng cao, nhất là những tháng cuối năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2001/NĐ – CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 quy định MLTT vùng áp dụng thống nhất đối với người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp từ ngày 1/10/2011. Tuy nhiên, thực tế hiện nay MLTT theo từng vùng mới chỉ đáp ứng được khoảng 57 – 63% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mặt khác, 6 tháng đầu năm 2012 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,38 % và dự kiến cả năm đạt từ 6 – 6,5%, mức tăng tiền lương bình quân trên thị trường lao động dự kiến tăng khoảng 8 – 10%. Vì vậy, năm 2013 cần thiết phải điều chỉnh MLTT vùng khu vực doanh nghiệp theo đúng quy định của Bộ luật Lao động. Với phương án 1 có ưu điểm thực hiện theo đúng lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đã trình Hội nghị Trung ương 5. Tuy nhiên có nhược điểm mức điều chỉnh cao, làm tăng chi phí lớn ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhất và doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động trong điều kiện đang gặp khó khăn năm 2012. Phương án 2 có ưu điểm phù hợp với tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiêp còn gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng có tác động ít hơn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, mức điều chỉnh tương ứng với mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung. Tuy nhiên có nhược điểm chưa thực hiện theo đúng lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đã trình Hội nghị Trung ương 5, các năm sau phải điều chỉnh ở mức cao hơn mới đạt được mục tiêu bảo đảm nhu cầu tối thiểu vào năm 2015. 

 

Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đã thảo luận và đưa ra ý kiến cho rằng thời điểm áp dụng MLTT vùng trong các doanh nghiệp là từ ngày 1/1/2013 là hợp lý. Tuy nhiên, với hai phương án điều chỉnh thì các đại biểu còn chưa thống nhất. Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định, việc điều chỉnh lần này nằm trong lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu chung do Chính phủ đề ra. Trong thực tế, đa số các DN đã trả cho người lao động mức lương cao hơn so với mức lương sắp điều chỉnh. Tuy nhiên, mức lương mới sẽ là căn cứ để DN đóng BHXH, BH thất nghiệp. Sau khi xem xét hai phương án điều chỉnh MLTT vùng do Bộ LĐTB & XH đề xuất, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị lựa chọn theo phương án 1. 

 

Còn đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà – đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh TPHCM lại cho rằng: Việc điều chỉnh MLTT vùng do Bộ LĐ-TB & XH đề xuất sẽ khiến cho các doanh nghiệp thực sự gặp khó trong giai đoạn hiện nay. Theo bà Hà, qua lấy ý kiến của các Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp đề  xuất chỉ nên tăng 10 -11%; một số ý kiến khác lại đề xuất tăng mức lương tối thiếu lên khoảng  20 – 30%. Song nhìn chung  đa số các doanh nghiệp chưa đồng tình với mức điều chỉnh lương tối thiểu mà Bộ đưa ra. Còn nếu điều chỉnh thì với hai phương án trên đều quá cao nên chăng còn có phương án nào khác khả thi hơn và mang tính thuyết phục để việc điều chỉnh là chiến lược lâu dài. Nguyên nhân là bởi vì các doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như hàng sản xuất không tiêu thụ được, hàng tồn kho quá nhiều, nhất là các ngành như: Thủy sản, may mặc, chế biến gỗ, bất động sản…
 

 

Còn theo ông Nguyễn Tiến Định – Phó trưởng Ban Quản lý Hepza, cần phải nhận định diễn biến tình hình trong nước và thế giới trong năm 2013 thật chính xác để từ đó có quyết định điều chỉnh MLTT vùng sao cho nếu tình hình kinh tế diễn biến theo chiều hướng khó khăn hơn thì mức điều chỉnh sẽ không thể tụt xuống được nữa. Ông Định đề nghị điều chỉnh MLTT  trong năm 2013, khoảng 2,6 triệu đồng/ tháng. Đồng tình với quan điểm của ông Định, ông Nguyễn Văn Xê – Phó Giám đốc Sở LĐ – TBXH TPHCM đề xuất nên áp dụng điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 2,5 triệu đến 2,6 triệu đồng và thời điểm áp dụng là vào ngày 1/1/2013. Bởi theo ông Xê, hiện nếu áp dụng phương án 1 là 2,7 triệu đồng thì các doanh nghiệp sẽ khó mà thực hiện được. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, sản xuất định đốn, hàng hóa không tiêu thụ được, mức tồn kho quá nhiều dẫn đến kinh doanh lỗ, không có hiệu quả. Còn theo ý kiến của đại diện của Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh lại đề xuất nên áp dụng ở phương án 1 là tăng mức lương tối thiểu lên 2,7 triệu đồng. Bởi theo các đại biểu này, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn đã trả lương cho người lao động từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, cho nên việc điều chỉnh mức lương tối thiểu lần này tuy có ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng không đáng kể. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, nếu Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu lên 2,7 triệu đồng thì các doanh nghiệp cũng sẽ lấy khoản tiền hỗ trợ thêm cho người lao động trước đây vào thu nhập người lao động để chi trả tiền Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, các ý kiến của đại biểu cũng đề xuất thời gian áp dụng điều chỉnh mức lương tối thiểu thiểu vào ngày 1/1/2013 là hợp ý đối với các doanh nghiệp. Nếu điều chỉnh vào 1/5 cùng với việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu với hệ thống khu vực hành chính sự nghiệp sẽ gây tác động ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của doanh nghiệp và người lao động. 

 

Qua nghe 10 ý kiến đại diện của các Sở Lao động – TBXH, Liên đoàn Lao động, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam – Chi nhánh TPHCM và ý kiến của các Hiệp hội doanh nghiệp nêu ra quan điểm, đề xuất và cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào năm 2013 còn nhiều quan điểm khác nhau, Thứ trưởng Phạm Minh Huân đã ghi nhận các ý kiến của các đại biểu và cho biết năm 2013, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ đi vào hoạt động và có tiếng nói chung làm sao đảm bảo được cả quyền lợi từ hai phía người lao động và doanh nghiệp đảm bảo hài hòa cùng phát triển. Thứ trưởng cũng cho rằng, Bộ Luật lao động sửa đổi lần này cũng đã xác định rõ hơn về mức lương tối thiểu. Có 5 vấn đề về mục tiêu lương tối thiểu, điều chỉnh mức lương tối thiểu làm sao phải linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế của từng năm và từ đó chọn phương án hợp lý để điều chỉnh phù hợp. Về thời điểm điều chỉnh tiền lương cũng cần phải xem xét trên nhiều yếu tố của các doanh nghiệp nêu ra để khi điều chỉnh không gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đáp ứng đời sống của người lao động làm công ăn lương. Về việc điều chỉnh vùng trước mắt năm 2013 tiếp tục vẫn giữ nguyên 4 vùng, các năm tiếp theo sẽ xem xét và điều chỉnh khi thấy hợp lý. Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng khẳng định, việc lấy ý kiến góp ý vào việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2013, Bộ sẽ lấy ý kiến theo 3 hướng như: lấy ý kiến trực tiếp qua các Hội nghị, hội thảo, trên website của Bộ và lấy ý kiến bằng công văn… Sau đó, sẽ tập hợp và tiếp tục bàn bạc và đi đến quyết định thống nhất chọn phương án nào hợp lý nhất đáp ứng được 2 yêu cầu cả về quyền lợi ích người lao động và doanh nghiệp. Được biết, dự kiến thời gian hoàn thiện vào cuối tháng 9 và Chính phủ cho ý kiến vào tháng 10/2012 và áp dụng từ ngày 1/1/2013. 

 

Theo WWW.molisa.gov.vn

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay676
  • Tháng hiện tại41,263
  • Tổng lượt truy cập3,931,561
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây