Cán bộ công chức trong cơ quan hành chính nhà nước phải lấy sự hài lòng
của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động CCHC
Tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình – Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Thông tin – Truyền thông cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự.
Chỉ số SIPAS được Bộ Nội vụ tiến hành điều tra xã hội học tại 63 tỉnh về nhận định, đánh giá của người dân, tổ chức đới với việc cung ứng dịch vụ hành chính công như: về đánh giá về nơi nộp hồ sơ và nhận kết quả dịch vụ công, số lần đi lại thực hiện dịch vụ công, việc công chức gây phiền hà, sách nhiễu, việc cơ quan xin lỗi vì sự trễ hẹn…; hay đối với sự phục vụ của cơ cơ quan hành chính nhà nước về tiếp cận dịch vụ, về thủ tục hành chính, về công chức, kết quả dịch vụ và sự mong đợi của người dân tổ chức đối với sự phục vụ cửa cơ quan hành chính nhà nước. Theo báo cáo kết quả, năm 2020, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu về Chỉ số SIPAS. Tây Ninh đứng thứ 40, đạt số điểm 83,94.
Bên cạnh đó, chỉ số PAR INDEX năm 2020 tiếp tục có những kết quả tích cực. Năm 2020, có 15/17 bộ đạt Chỉ số CCHC tăng cao so với năm 2019, không Bộ nào có kết quả CCHC dưới 80%.
Đây là thành quả của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, đổi mới và sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ CCHC nhằm kịp thời ứng phó với những khó khăn, thách thức và những ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Tây Ninh xếp thứ 27 trong bảng xếp hạng PAR INDEX 2020.
Theo đó, chỉ số PAR INDEX cấp Bộ, có 3 đơn vị thuộc nhóm thứ nhất, có chỉ số PAR INDEX trên 90%, trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dẫn đầu.
Về các địa phương, chỉ số CCHC của Quảng Ninh, Hải Phòng thuộc nhóm A, đạt từ 90% trở lên. Nhóm B, có 56 tỉnh, thành phố đạt chỉ số từ 80% đến dưới 90%. Và có 5 tỉnh, thành phố thuộc nhóm C, có Chỉ số từ 70% đến dưới 80%. Tây Ninh nằm trong nhóm B, đứng thứ 27 trên 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, để đẩy mạnh CCHC trong thời gian tới, người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục có những giải pháp, biện pháp đột phá phù hợp để cải thiện, nâng cao nền hành chính công; tổ chức thực hiện chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, tăng cường công khai minh bạch cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Các cơ quan hành chính nhà nước phải tiếp tục tăng cường rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC một cách hiệu quả, thực chất; thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, tổ chức, hướng đến giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn, giảm thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng.
Ông Trương Hòa Bình cũng lưu ý đến công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu người dân, tổ chức nộp thêm các giấy tờ ngoài quy định khi giải quyết TTHC.
Tây Ninh vượt 4 bậc so với năm 2019 về chỉ số SIPAS
Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, “Ngay sau hội nghị này, đề nghị các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh CCHC, triển khai nhiệm vụ kép vừa phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2021, tạo tiền đề và sức bậc trong giai đoạn mới của đất nước”.
(Nguồn: Baotayninh.vn)
Ý kiến bạn đọc