Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ

Thứ ba - 19/05/2020 23:00 812 0
Tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ (TBLS) là biểu hiện cụ thể của truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”; đồng thời, là tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn hằng năm có một ngày dành cho TBLS. Theo đề nghị của Hồ Chủ tịch, giữa tháng 6-1947, hội nghị các ngành của Trung ương và đại diện các địa phương họp tại Đại Từ, Thái Nguyên, đã nhất trí lấy ngày 27 tháng 7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. Đến năm 1955, đổi thành Ngày TBLS. Ngày 27-7-1947 là Ngày TBLS đầu tiên của nước ta.

Bác nói: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái đối với thương binh và gia đình liệt sĩ”. Bác đau xót vô ngần mỗi khi biết tin một chiến sĩ hy sinh. Trong bức thư gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng (1-1947), Bác viết những lời thống thiết: “Tôi được báo cáo rằng, con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam... Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ”.
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày TBLS, Bác Hồ lại gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh (tiền thân của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày nay) nhắc nhở việc đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và nhiều lần Bác đã gửi tặng một tháng lương của mình cùng quần áo các đoàn thể tặng Bác để làm quà tặng cho các thương binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu.

3.jpg

Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pôn bị mù hai mắt nhưng đã có sáng kiến cải tiến nông cụ (Ảnh tư liệu)

Tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1960), Bác xúc động nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do.. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”.
Bác căn dặn: Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước “là một nghĩa vụ của nhân dân”, chứ không phải là “việc làm phúc”.
Trong “Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh”, ngày 27-7-1954, Bác biểu dương và nhắc nhở các đoàn thể ở các xã: “Nhiều nơi đã hăng hái đón thương binh, bệnh binh về xã, giúp đỡ anh em làm ăn và đã chiếu cố chu đáo các gia đình liệt sĩ. Thế là rất tốt. Đó là một cách để tỏ lòng nhân dân biết ơn những chiến sĩ đã có công giữ nước, giữ làng. Song, việc giúp đỡ ấy cần phải thiết thực, cần có tổ chức và mọi người trong xã đều cần tùy theo khả năng mà tham gia”.
Ngày 17-7-1956, Bác gửi thư cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ; trong đó, Bác nhắc nhủ đồng bào: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Khi viết bản “Di chúc” (phần bổ sung), Bác nêu rõ trách nhiệm của Đảng và Nhà nước về công tác TBLS: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (...) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Bác Hồ hết lòng yêu thương, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước; nhưng Bác không quên nhắc nhở thương binh, gia đình liệt sĩ phải luôn luôn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp sẵn có, để xứng đáng với  sự quan tâm và lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong “Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh nhân ngày Thương binh – Liệt sĩ, 27-7-1952”, Bác căn dặn anh em thương binh, bệnh binh: “ - Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân/ - Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật/ - Chớ bi quan, chán nản. Phải luôn luôn cố gắng/ Trước kia, anh em đã xung phong diệt giặc thì ngày nay anh em sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất”.
Ngày TBLS năm 1954, Bác lại có “Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh” nhắc nhở việc đẩy mạnh hơn nữa công tác TBLS và căn dặn: “Các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần”. Bác động viên các thương binh: “Tàn mà không phế”, phấn đấu trở thành những “Công dân kiểu mẫu”, động viên các gia đình TBLS phấn đấu để trở thành các “Gia đình cách mạng gương mẫu”!.
Tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác TBLS thể hiện lòng yêu nước, thương dân sâu sắc của Người. Tư tưởng và tình cảm ấy đã trở thành các chủ trương, chính sách, các chỉ thị của Đảng, Nhà nước đối với TBLS và những người có công với nước. Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 68-CT/TƯ, ra ngày 15-7-1985 về “Tăng cường chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng”.
Hiện nay, cả nước có trên 9 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi (chiếm 10% dân số cả nước); trong đó hơn 4 triệu người hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi kháng chiến, trên 2 triệu người hưởng chế độ thân nhân của người có công mất trước năm 1995. Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 46.770 bà mẹ liệt sĩ, tiếp tục truy tặng và phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ có công lớn trong kháng chiến và kiến quốc.
Các tổ chức xã hội xây dựng hơn 343.000 nhà Tình nghĩa và hàng vạn sổ tiết kiệm trao tặng các thương binh và gia đình liệt sĩ. Nhiều gia đình thương binh và gia đình liệt sĩ đã trở thành những “Gia đình cách mạng gương mẫu”. Nhiều cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Lực lượng cựu chiến binh hùng hậu và đáng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân đang tiếp tục đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế. Đấy là sức lan tỏa to lớn của tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ đối với công tác TBLS.
 Theo Báo Biên phòng


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay1,082
  • Tháng hiện tại30,820
  • Tổng lượt truy cập3,921,118
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây