Quốc hội "chốt" chưa điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo năm 2021

Chủ nhật - 15/11/2020 04:00 827 0
Quốc hội quyết năm 2021, tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 608.569 tỷ đồng; đồng thời “chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo”.

Chiều nay (12/11), với tỷ lệ tán thành lên 92,53%, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo Nghị quyết, năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước là 1.343.330 tỷ đồng, tổng chi là 1.687.000 tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 608.569 tỷ đồng.
Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương là 318.870 tỷ đồng (tương đương 3,7% GDP); bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng (tương đương 0,3% GDP).
Tập trung nguồn lực chống Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai
Quốc hội thống nhất, trong năm 2020, không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai.
Năm 2021 cũng chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương.
Riêng những địa phương đã có cam kết đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương và chính sách an sinh xã hội đến hết năm 2020, trường hợp dự toán năm 2021 thiếu nguồn sẽ được ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện chính sách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo các chế độ quy định.
Các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ thì được phép báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14.
Sẽ ưu tiên tăng lương hưu cho người nghỉ trước năm 1995 sau tổng kết
Trong quá trình thảo luận về ngân sách Nhà nước, một số đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước năm 1993, rà soát các nội dung về chưa điều chỉnh tiền lương năm 2020, 2021 và chưa điều chỉnh chuẩn nghèo.
Trình bày báo cáo giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, Kết luận số 91 của Hội nghị Trung ương 13 quy định “trong năm 2021 chưa điều chỉnh lương cơ sở, chưa điều chỉnh chuẩn nghèo”.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, năm 2020 hụt thu khoảng 190 nghìn tỷ đồng so với dự toán; dự toán thu cân đối ngân sách năm 2021 giảm trên 170 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020.
Vì vậy, “chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng (đối tượng do ngân sách bảo đảm), trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2020 và năm 2021, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới”.
Về việc ưu tiên điều chỉnh mức tăng trợ cấp người có công, lương hưu và trợ cấp cho những người nghỉ hưu trước năm 1995, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “cần thiết”. Song cần tổng kết về số lượng, phạm vi, mức hỗ trợ để xây dựng dự kiến kinh phí bố trí cũng như bảo đảm chính sách hỗ trợ lâu dài, phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước.
Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có tổng kết, đánh giá và xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp, báo cáo Quốc hội theo hướng ưu tiên hơn cho đối tượng trên trong thời gian tới.
Cũng trong Nghị quyết mới được thông qua, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021. 
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; 
Thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai; đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo Đề án đã được phê duyệt.
Nghị quyết thông qua dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2021, cụ thể:
1. Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.343.330 tỉ đồng.
2. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.687.000 tỉ đồng.
3. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỉ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm:
Bội chi ngân sách trung ương là 318.870 tỉ đồng, tương đương 3,7%GDP;
Bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỉ đồng tương đương 0,3%GDP.
4. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỉ đồng.


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay985
  • Tháng hiện tại38,263
  • Tổng lượt truy cập3,928,561
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây