THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020: Góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống

Thứ năm - 25/06/2020 18:00 788 0
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chú trọng huy động mọi nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực.

Giảm 2,63% hộ nghèo, hộ cận nghèo

Giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo ở Tây Ninh là hơn 3.774 tỷ đồng, trong đó kinh phí trung ương  là 122,8 tỷ đồng, vốn tín dụng  2.475,67 tỷ đồng, kinh phí địa phương: 6,37 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hoá chăm lo đời sống cho người nghèo 1.132 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo 22,123 tỷ đồng, nguồn quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh (có thẻ BHYT): 15,3 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh giảm từ 4,32% vào đầu năm 2016 xuống còn 1,69% vào cuối năm 2019 (giảm 2,63%), giảm bình quân 0,66%/năm. Theo Quyết định số 1052/QĐ-LĐTBXH ngày 29.7.2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, Tây Ninh có số hộ nghèo đứng thứ 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chỉ trên Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và Bình Dương) và tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ 58/63 (chỉ trên Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương).

Đến năm 2020, việc tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đã góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Chương trình giảm nghèo được thực hiện đồng bộ với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác tại địa phương đã tạo nguồn lực quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất với các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc…)

Tây Ninh có 16 xã biên giới thuộc Chương trình 135, tỉnh đã tập trung nguồn vốn từ Trung ương để hỗ trợ cho các xã này đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo giao thông được thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân được sinh sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Các công trình cơ sở hạ tầng ở các xã Chương trình 135 được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt. Từ nguồn vốn của Chương trình giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tiếp tục hỗ trợ cho 16 công trình giao thông và 1 công trình kiên cố hóa kênh mương đang thực hiện của giai đoạn 2011-2015; thực hiện cải tạo, nâng cấp 2 trường học, 4 Nhà văn hóa ấp, 4 công trình kiên cố hóa kênh mương và 832 km đường giao thông nông thôn. Tỉnh còn thực hiện 102 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 41 dự án nhân rộng mô hình cho các xã thuộc Chương trình 135 và các xã ngoài Chương trình 135, với tổng kinh phí là 20,29/22,252 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch. Tổng số hộ được hỗ trợ là 2.962 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo.

Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, cụ thể: 100 % xã có đường ô tô đến trung tâm xã đảm bảo tiêu chuẩn; 100 % ấp có đường trục giao thông được cứng hóa đảm bảo tiêu chuẩn; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã đạt trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT; 100 % xã có mạng lưới trường mầm non, trường THCS, Trung tâm Văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng đủ đáp ứng nhu cầu; 97,3% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 87% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới…

Hiệu quả từ những chính sách lồng ghép giảm nghèo

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, góp phần tích cực khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bán sản phẩm khi chưa thu hoạch ở nông thôn; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện điều kiện sinh hoạt, đi lại, học hành cho các tầng lớp nhân dân.

Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình hỗ trợ vay vốn tín dụng đã cho 5.886 lượt hộ nghèo  vay với số tiền 116,6 tỷ đồng; 6.285 lượt hộ cận nghèo vay với số tiền 158,22 tỷ đồng. Chương trình tín dụng giải quyết việc làm đã cho 9.475 lượt hộ vay với số tiền 232,8 tỷ đồng. Chương trình tín dụng hộ sản xuất kinh doanh thuộc vùng khó khăn  giải ngân được số tiền 418,91 tỷ đồng cho 13.293 lượt  hộ vay. Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho 66.737 lượt hộ vay với số tiền 760,64 tỷ đồng. Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở đã cho 590 lượt hộ vay với số tiền 4,75 tỷ đồng. Chương trình vay vốn tín dụng cho HS-SV có hoàn cảnh khó khăn đã giải ngân 362,18ty3 đồng với 11.133 lượt hộ vay.

Đối với chính sách hỗ trợ giáo dục, tỉnh tiếp tục thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tổng số trẻ em được hỗ trợ là 11.121 em với số tiền gần 12 tỷ đồng. Hỗ trợ cho 380 trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi dân tộc ít người đang theo học tại các cơ sở mầm non theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với kinh phí 379,5 triệu đồng. Hỗ trợ cho 1200 trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, các xã đặc biệt khó khăn, hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định, trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa theo quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí 1,625 tỷ đồng. 100% học sinh dân tộc, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh trường phổ thông DTNT tỉnh được cấp thẻ BHYT, cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập.

Về chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện cấp thẻ BHYT đúng, kịp thời đến người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (nghèo tỉnh), hộ có mức sống trung bình làm nông lâm ngư nghiệp, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người sinh sống ở cùng đặc biệt khó khăn (ấp Rạch Tre , xã Biên Giới,huyện Châu Thành). Tổng cộng đã cấp 137.407 lượt thẻ với kinh phí gần 73.293 triệu đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh (có thẻ BHYT) đã chi phí hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng, hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo với các bệnh như: suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo, ung thư dạ dày, ung thư buồng trứng, ung thư vú, lupus ban đỏ hệ thống biến chứng thận.

Song song đó, ngành chức năng tỉnh còn hỗ trợ cho 2.337 lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí, được cung cấp các thông tin, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp các tổ chức chính trị xã hội xây mới và bàn giao gần  3.409 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với chi phí trên 153 tỷ đồng từ Quỹ Vì người nghèo. Trong giai đoạn 2016 - 2020,  Ban Vận động quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ trâu, bò sinh sản, đã hỗ trợ 1.003 con trâu, bò sinh sản với số tiền gần 24 tỷ đồng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp còn phối hợp các tổ chức chính trị xã hội vận động thực hiện công tác chăm lo cho người nghèo, công tác an sinh xã hội, với tổng số tiền trên 766,055 tỷ đồng.

Từ ngày 1.1.2017 đến ngày 31.12.2019, ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ tiền điện cho  40.591 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ bảo trợ xã hội với tổng kinh phí 13,348 tỷ đồng. Các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giới thiệu việc làm cho trên 339 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu.

Nhờ các hoạt động hỗ trợ trên, người nghèo trên địa bàn tỉnh đã từng bước thay đổi nhận thức, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo việc làm và tìm việc làm phù hợp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với sản xuất thị trường, qua đó từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Công Phong

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay1,813
  • Tháng hiện tại43,492
  • Tổng lượt truy cập3,339,025
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây