Hội thảo công bố nghèo đa chiều ở Việt Nam

Thứ tư - 19/12/2018 18:00 790 0
Sáng 19/12/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố nghèo đa chiều ở Việt Nam với chủ đề: Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người.

Để chuyển đổi mạnh mẽ chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng, năm 2014, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện từ năm 2016. Trên cơ sở đó, vào năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã thông qua phương pháp tiếp cận đa chiều để đo lường nghèo đói. Theo đó nghèo đa chiều được đo lường bằng mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch; vệ sinh; thông tin và được đo bằng 10 chỉ số. Hộ được coi là nghèo đa chiều nếu thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trở lên.

Tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016. Tương đương với khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo.

Theo báo cáo tại Hội thảo, tỷ lệ nghèo thu nhập cũng như nghèo đa chiều giảm mạnh. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 18,1% xuống còn 10,9% trong giai đoạn từ 2012 - 2016. Ngoại trừ trình độ giáo dục của người lớn thì tỷ lệ thiếu hụt các chỉ số nghèo đa chiều quốc gia đều giảm xuống trong giai đoạn 2012- 2016. Tỷ lệ thiếu hụt thông tin giảm mạnh do sự phát triển của điện thoại di động và internet. Điều kiện nhà ở và vệ sinh cũng được cải thiện nhưng tốc độ cải thiện khá thấp.

UNDP.jpg

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá cao những tiến bộ Việt Nam đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo

Hiện nay, mức độ thiếu hụt lớn nhất là các chỉ tiêu về nhà tiêu hợp vệ sinh và trình độ giáo dục người lớn. Năm 2016, cả nước có 36,1% dân số không thiếu hụt bất kỳ chỉ số nghèo đa chiều nào và có 1,3% dân số thiếu hụt trầm trọng từ 5 - 7 chỉ số.

Cũng theo báo cáo, giáo dục và nghề nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và tình trạng đói nghèo. Trình độ nghèo đa chiều có tương quan mạnh mẽ với trình độ giáo dục của chủ hộ. Chỉ 1% số hộ nghèo có chủ hộ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, trong khi có đến 26,6% hộ nghèo có chủ hộ chưa học xong tiểu học. Các hộ gia đình có chủ hộ làm trong lĩnh vực nông nghiệp có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất, tiếp đến là các hộ có chủ hộ là lao động làm việc trong các ngành nghề không có kỹ năng.

Thời gian qua, mặc dù tỷ lệ nghèo có giảm, tuy  nhiên vẫn còn tình trạng tái nghèo hoặc các hộ dễ bị tổn thương rơi vào nghèo. Trong giai đoạn 2012 - 2016, có 6,7% dân số nghèo cả hai năm, 2,6% dân số rơi vào nghèo và 9,4% dân số thoát nghèo. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tái nghèo và phát sinh nghèo mới là mức độ thiệt hại do thiên tai ngày càng trầm trọng, nhất là năm 2013 thiệt hại hơn 19,6 nghìn tỷ đồng và năm 2016 thiệt hại lên đến hơn 39,7 nghìn tỷ đồng.

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá cao những tiến bộ Việt Nam đạt được trong giảm nghèo là “thành công ở tầm thế giới”. Theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam đạt được thành công được công nhận rộng rãi trên toàn cầu này là nhờ tăng trưởng bao trùm, giúp tạo việc làm cho người dân; tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản; và các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống. Mặc dù vậy, nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2016 của dân tộc Kinh là 6,4% thì tỷ lệ này ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao hơn nhiều, ví dụ tỉ lệ của dân tộc Mông là 76,2% , Dao 37.5%, và Khmer 23,7%.

Khoảng cách nghèo đói tính theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục và tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu 2012-2016. Báo cáo cũng cho thấy các hộ nghèo đa chiều có người khuyết tật được tiếp cận ít hơn với cơ hội giáo dục và việc làm so với mức trung bình của cả nước.

Tại Hội thảo, Bà Caitlin Wiesen đã đưa ra một số khuyến nghị để có thể giảm bớt khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc. Ngoài việc mở rộng dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát, năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số cần được tăng cường, cùng với tiếp cận tài chính, ươm mầm khởi nghiệp và thị trường. “Việt Nam có thể tiếp tục giảm nghèo thành công hay không phụ thuộc vào khả năng đảm bảo tăng trưởng bao trùm tạo công ăn việc làm tốt hơn cho người dân và hỗ trợ hiệu quả những người bị bỏ lại xa nhất”, bà Wiesen nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho rằng: Để phát huy những thành tựu đã đạt được về xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, Việt Nam tiếp tục xác định mục tiêu giảm nghèo cho mọi người ở mọi nơi và bảo đảm an sinh xã hội phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, được nhân dân ủng hộ và huy động hợp tác có hiệu quả của các tổ chức quốc tế. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng nhưng cần làm cho người nghèo nhận thức rõ mình chính là chủ thể trong tiến trình giảm nghèo, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, chúng ta cần tiếp tục tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân, đặc biệt là người nghèo trong tiến trình ra quyết định. Và tăng cường, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, huy động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cho rằng, kết quả giảm nghèo trong thời gian qua của Việt Nam được đánh giá cao. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Một số chính sách giảm nghèo chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao; công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân còn hạn chế.

(Nguồn: Molisa.gov.vn)


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay2,023
  • Tháng hiện tại38,193
  • Tổng lượt truy cập3,869,446
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây