Ngày 28/7/2016, tại TP.HCM, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi áp dụng Luật lao động 2012 và các văn bản quy định chi tiết. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Phạm Minh Huân, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng đông đảo các doanh nghiệp khu vực phía Nam.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh: Nội dung của Bộ Luật lao động luôn chú ý đến quyền lợi pháp luật của người lao động và của doanh nghiệp. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là nền tảng có thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đây sẽ là diễn đàn trao đổi, giải đáp những vướng mắc chung và các cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ trao đổi, giải quyết cụ thể. Còn những vấn đề phức tạp thì cần tập hợp lại để tiếp tục nghiên cứu cùng tháo gỡ sớm nhất, kịp thời nhất.
Thứ trưởng cũng lưu ý: Những đóng góp chia sẻ, đề xuất sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục lắng nghe, cố gắng nâng cao trách nhiệm cùng cộng đồng doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh, pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển đi lên. Từ đó nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam sẽ được chắp cánh, khẳng định trên thị trường quốc tế. Đó cũng là con đường giúp nước ta phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội vươn lên.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu nhiều nội dung quan trọng về các chính sách lao động mới năm 2016; Tình hình thi hành Bộ Luật lao động và hướng sửa đổi, hoàn thiện; Nội dung mới về tiền lương và bảo hiểm xã hội bắt buộc, Nghị định 11/2016/NĐ-CP.
Các đại biểu cũng dành thời gian trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực thi Bộ Luật lao động 2012 và các văn bản quy định chi tiết; thực tiễn vướng mắc của doanh nghiệp trong công tác thanh tra doanh nghiệp....
Theo đại diện Vụ Pháp chế, một số vấn đề đặt ra trong quá trình áp dụng pháp luật lao động trong bối cảnh hội nhập thương mại là chưa bao quát hết các quan hệ phát sinh từ thực tiễn. Qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng một số quy định của Bộ Luật lao động còn có những quy định có tính chất chung, một số nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và văn bản hướng dẫn chậm nên thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Một số Luật mới ban hành gần đây ảnh hưởng tới kết cấu và nội dung của Bộ Luật lao động như Luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Tố tụng dân sự và các Luật chuyên ngành tách ra từ nội dung của Bộ luật Lao động như việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, an toàn – vệ sinh lao động.
Mặt khác, trong Hiệp định Việt Nam – EU, Hiệp định TTP thì các vấn đề phi thương mại cũng được coi là nội dung của Hiệp định. Về lao động, nội dung của Hiệp định thường căn cứ vào các Tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. So sánh với các Tiêu chuẩn ấy, Bộ Luật lao động và các văn bản quy định chi tiết còn chưa hoàn toàn đáp ứng được một số yêu cầu.
Vì thế, hiện Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động. Nội dung sửa đổi gồm khắc phục những bất cập từ thực tiễn áp dụng, các vướng mắc xuất phát từ các quy định của Luật về hợp đồng lao động, tiền lương, xử lý kỷ luật lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...
Hướng đến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp về lao động khi có các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiền lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động; tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do hiệp hội, bảo vệ và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức....
Đối với vấn đề tiền lương – một nội dung được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, bà Tống Thị Minh – Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ LĐ-TBXH) cho biết: hiện cách tính tiền lương gồm mức lương cộng phần phụ cấp và phần bổ sung khác. Phần bổ sung khác là thưởng hàng năm (Điểm 103), ăn ca, trợ cấp (sinh nhật, hiếu hỉ, ốm đau... các khoản không liên quan đến công việc, chức danh). Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo cơ chế tiền lương do người sử dụng lao động quyết định từ 01/1/2016 đến hết 2017 là mức lương cộng phụ cấp; từ 01/1/2018 trở đi là mức lương cộng phụ cấp cộng bổ sung khác.
Nêu khó khăn trong thanh tra doanh nghiệp về thực hiện pháp luật lao động, Th.S Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TBXH nhận định: Năm 2015, kết quả thực hiện 152 cuộc thanh tra tại 152 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát hiện 1.786 sai phạm tại các doanh nghiệp, bình quân 12 sai phạm/doanh nghiệp.
Các sai phạm của doanh nghiệp tập trung vào vấn đề giao kết hợp đồng lao động, đối thoại tại nơi làm việc và thỏa ước lao động tập thể, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương; các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và một số nội dung về bảo hiểm.
Ông Nguyễn Tiến Tùng lưu ý những sai phạm cụ thể, chi tiết trong lĩnh vực lao động là chưa ký hợp đồng đào tạo nghề khi cử người lao động đi học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; quy định về tiêu chuẩn không tuyển dụng lao động làm việc trong các trường hợp mắc các tệ nạn xã hội. Đối với tiền lương, chưa xây dựng hệ thống thang, bảng lương, trả lương cho người lao động không kịp thời; trả lương làm thêm giờ cho người lao động không đúng quy định...
Đề xuất về giải pháp thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật lao động, ông Nguyễn Tiến Tùng nêu quan điểm cần đổi mới phương thức nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về hợp đồng lao động cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân sự trong các doanh nghiệp và nhận thức người lao động.
Song song đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp; phát triển và cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp luật lao động miễn phí cho người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại cơ quan, đơn vị sử dụng lao động...
Đề xuất về những nội dung cần bổ sung, sửa đổi Bộ Luật lao động, ông Võ Văn Hùng – Giám đốc nhân sự, công ty TNHH Hamsae Viet Giam cho rằng: Cần sửa lại một số nội dung như: tại nội dung quy định hợp đồng lao động ở Khoản 1 Điều 22 là hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong vòng 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới, nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại Điểm B Khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời gian 24 tháng.
Tại Điều 36, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động có quy định trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49. Việc cho thôi việc đối với nhiều lao động theo quy định tại điều này chỉ được tiến hành sau khi trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Nhưng trên thực tế thường hết hạn hợp đồng mà không gia hạn thì nghiễm nhiên ký hợp đồng lao động mới nên không có lý gì lại cắt ngang trợ cấp thôi việc.
Ông Nguyễn Thái Sơn – đại diện công ty Saitex góp ý: Tại Điều 216 quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhưng cần xem xét, làm rõ cho được khái niệm “trốn đóng” là như thế nào? “Trốn” với “không đóng” phải được phân định rõ để không đồng nhất. Vì “trốn đóng” có nghĩa là bỏ trốn hoặc tìm mọi cách không chịu đóng thì phải xử lý hình sự. Nhưng “không đóng” do có lý do doanh nghiệp còn đang làm ăn thua lỗ, phải nợ tiền lương, tiền đóng bảo hiểm thì khi đó cần xem xét gia hạn hoặc có cơ chế nào khác để khắc phục chứ không nên truy tố hình sự.(www.molisa.gov.vn)