Ảnh minh họa
Đây là căn cứ điều chỉnh tăng lương tối thiểu hàng năm. Tuy nhiên, trong buổi đối thoại về pháp luật giữa doanh nghiệp và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội diễn ra mới đây, vẫn xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề chỉ xác định nhu cầu sống tối thiểu làm cơ sở tăng lương.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, đối với ngành dệt may, đa phần đều là công việc nặng nhọc, độc hại nên lương của người lao động sẽ phải cao hơn ít nhất 5% so với lương tối thiểu vùng. Lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Điều này có nghĩa lương của người lao động sẽ phải cao hơn ít nhất 12% so với lương tối thiểu vùng.
Ông Trương Văn Cẩm cho rằng, hiện nay lương tối thiểu đã bằng 70% thu nhập bình quân của toàn bộ khu vực làm công ăn lương (khoảng 5,08 triệu đồng trong quý 1/2016). Trong khi đó, Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định lương tối thiểu vùng dùng làm căn cứ để xây dựng mức lương khởi điểm đối với công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường. Điều này đang gây sức ép tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm cần làm rõ hơn các quy định về tiền lương, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho rằng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần phải xác định lại định nghĩa và cách tính nhu cầu sống tối thiểu để từ đó đưa ra được mức lương tối thiểu hợp lý.
Ông Nguyễn Xuân Dương phân tích, trong cách tính nhu cầu tối thiểu có yếu tố nuôi một đứa con trong cả quãng đời làm việc của người lao động, trong khi việc nuôi con chỉ nên tính trong 18 năm. Hơn nữa, việc lấy tỷ lệ nuôi con bằng 0,7 lần nuôi một người lao động cũng là cách tính chưa hợp lý. Chính vì vậy, cách nhu cầu sống tối thiểu chưa phù hợp.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng hiện nay, do các bên trong Hội đồng tiền lương áp dụng các bộ tính khách nhau nên dẫn đến mâu thuẫn. Trong khi đó, vấn đề tiền lương tối thiểu cần phải quay trở lại tiêu chí tiền lương. Tiền lương tăng lên phải căn cứ vào tốc độ tăng năng suất lao động và trong nguyên tắc, bao giờ tốc độ tăng tiền lương cũng chậm hơn tăng năng suất lao động.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc công bố nhu cầu sống tối thiểu phải do một cơ quan Nhà nước thực hiện, mà trách nhiệm này phải thuộc Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xác định căn cứ vào nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần, nhà ở, nước, điện sinh hoạt…
Trước những thắc mắc về vấn đề xác định tiền lương tối thiểu, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho hay, trong chương trình làm việc của Quốc hội có việc xây dựng Luật tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, khi chưa xây đựng được luật này thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tính tới việc sửa đổi, bổ sung một số điều về tiền lương tối thiểu cho rõ hơn trong lần sửa đổi, bổ dung Luật Lao động vào năm 2017.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, trong Luật Lao động có nêu ba yếu tố xác định tiền lương tối thiểu là: Nhu cầu sống tối thiểu, điều kiện kinh tế xã hội, mặt bằng tiền công trên thị trường. Song, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng thừa nhận, Hội đồng Tiền lương quốc gia đang nhấn mạnh nhiều đến nhu cầu hơn do trước đó mức tiền lương còn thấp.
“Nhìn lại tốc độ tăng lương thời gian vừa qua thấy rằng tốc độ tăng lương tối thiểu rất lớn. Do đó, lần thương lượng lương tối thiểu vùng năm 2017 này sẽ phải tính toán hết các yếu tố, thậm chí, xem xét cả mối tương quan với các khu vực để tạo ra sự cạnh tranh quốc gia và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Dự báo về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng mức tăng năm nay sẽ không cao bằng các năm trước vì chỉ số giá tiêu dùng hiện nay đang phấn đấu là 5%, chưa tác động nhiều đến đời sống người lao động. Trong khi đó, năng suất lao động hiện nay vẫn thấp nên phải cố gắng vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động nhưng cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.(Nguồn: www.molisa.gov.vn)