Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, đại diện lãnh đạo Cục phòng chống tệ nạn xã hội, đại diện Bộ Công An, Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội của 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, hiện nay tình hình ma túy và mại dâm có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, thông qua Hội nghị này, Bộ muốn nắm bắt thông tin từ các địa phương về kết quả thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội trong 6 tháng đầu năm cũng như những khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị, đề xuất từ các địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời. Thứ trưởng đã nêu ra 3 vấn đề mà Chính phủ đã đề cập là: Cần phải tập trung đẩy mạnh, trấn áp tội phạm ma túy, mại dâm và công tác cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai một cách hiệu quả. Trong công tác cai nghiện, Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng Đề án “đổi mới công tác cai nghiện”, duy trì hoạt động tại các trung tâm, mở rộng các mô hình cai nghiện hiệu quả. Vì vậy, các địa phương cần có kế hoạch, bước đi cụ thể, đưa ra các mô hình, biện pháp đổi mới hoạt động của các trung tâm tại địa phương. Về công tác phòng chống mại dâm, phải có phương pháp giáo dục, quản lý đối tượng vi phạm như thế nào cho hiệu quả, vì sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính mới được Quốc hội khóa III thông qua và có hiệu lực, các đối tượng vi phạm chỉ bị phạt hành chính, không bị giam giữ, do đó cần phải có biện pháp quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng. Xây dựng kế hoạch, tổ chức phối hợp với các cơ quan liên ngành trong xử lý các đối tượng vi phạm một cách bài bản và hiệu quả. Đồng thời, các địa phương cần cập nhật, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu chính xác về đối tượng địa phương đang quản lý, cũng như tình trạng tăng giảm, biến động hàng năm để định kỳ báo cáo về Bộ thật chính xác.
Hội nghị cũng được nghe bà Lê Thị Hà – Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội trình bày báo cáo khái quát về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; báo cáo chuyên đề về công tác phòng chống tện nạn mại dâm, mua bán người và định hướng trong thời gian tới. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2012, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức đoàn thể và địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng chống mại dâm và đạt được một số kết quả nhất định như: Hoàn thành 45% các chỉ tiêu đề ra, cụ thể: đã giáo dục, chữa trị cho 1.440 người bán dâm; có 50 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình về phòng chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, trong đó có 7 địa phương thực hiện duy trì điểm đã xây dựng năm 2011; 3.892 xã phường đăng ký mới không có tệ nạn mại dâm; 33 tỉnh, thành phố lập đội tình nguyện với 14.824 tình nguyện viên tham gia; 15.110 lượt tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mại dâm trong nội bộ cơ quan, cộng đồng tại 60/63 tỉnh, thành phố thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng triệu người. Tại các địa bàn trọng điểm, cấp huyện, xã các đơn vị chức năng đã phân phát, treo hơn 5000 tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu cùng với hàng trăm bài báo, phóng sự được đăng tải trên các phương tiện thông tín đại chúng của trung ương và địa phương về công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, các ngành chức năng đã thanh kiểm tra 26.307 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 8.360 cơ sở vi phạm, đã xử phạt 2.472 cơ sở và cảnh cáo 3.976 cơ sở, đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy phép đối với 94 cơ sở, chuyển cơ quan chức năng xử lý 10 cơ sở liên quan đến hoạt động mại dâm với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng.
Về công tác cai nghiện, trong 6 tháng đầu năm 2012 cả nước đã có 14.331/35.000 lượt người được cai nghiện (đạt 40,9% so với kế hoạch), trong đó cai tại trung tâm 12.175 lượt người ( chiếm 84,9%), cai tại gia đình, cộng đồng 2156 lượt người (đạt 15,1%). Quản lý sau cai 10.020/20.000 người (bằng 50,1% so với kế hoạch năm), trong đó quản lý sau cai tại trung tâm là 6.145 (chiếm 61,3%), tại cộng đồng là 2.156 người (38,7%). Dạy nghề cho 3575/10.000 người (đạt 35,7% so với kế hoạch). Xây dựng mới 483/1.000 xã phường lành mạnh không có mại dâm, ma túy ( đạt 48,35 so với chỉ tiêu). Duy trì 1.662 đội hoạt động xã hội tình nguyện với 11.393 tình nguyện viên tham gia hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội.
Ông Nguyễn Văn Minh – Cục trưởng Cục phòng Chống tệ nạn xã hội cho rằng, tuy đã đạt được một số kết quả, song công tác phòng chống tệ nạn xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Hoạt động tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế, chủ yếu là bằng hình thức tập trung tại các địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm, ma túy, chưa tiếp cận đến nhóm người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; chưa có một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại địa phương còn bất cập; công tác quản lý, cấp phép cơ sở kinh doanh dịch vụ còn chồng chéo về chức năng dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao. Khả năng dự báo về diễn biến tình hình mại dâm, ma túy, nắm bắt thông tin và thu thập số liệu còn hạn chế, trong khi đó hoạt động mại dâm, ma túy hết sức tinh vi, xảo quyệt. Việc tổ chức các mô hình hoạt động điểm bước đầu vẫn còn đơn giản, đội ngũ cán bộ chuyên trách về phòng, chống mại dâm, ma túy ở cấp cơ sở thiếu và kiêm nhiệm nhiều việc; các chính sách, chế độ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm, người sau cai nghiện còn bất cập. Tỷ lệ tái nghiện còn khá cao, số người nghiện ngày càng gia tăng.
Chính vì vậy, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2012 là, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định 687/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm, tập trung giải quyết tệ nạn xã hội tại những tỉnh, địa bàn trọng điểm. Chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm, đặt phòng chống tệ mại dâm trong mối quan hệ với phòng, chống tội phạm về buôn bán người và bóc lột tình dục phụ nữ. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các yếu tố dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ có liên quan. Tập trung xây dựng thí điểm mô hình tại cộng đồng về trợ giúp người bán dâm trong tiếp cận các dịch vụ xã hội ( giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, thay đổi công việc..)
Về công tác cai nghiện ma túy, trình Chính phủ ban hành Đề án “ Đổi mới công tác cai nghiện”, nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định chi tiết về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mới được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012. Phối hợp với Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tư pháp khảo sát, đánh giá, phân tích kết quả công tác cai nghiện thời gian qua để nghiên cứu đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình để xây dựng Luật cai nghiện ma túy. Phối hợp với các Bộ, ngành giải quyết một số tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện. Đồng thời, chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình cai nghiện hiệu quả tại gia đình, cộng đồng và quản lý người sau cai gắn kết với các chương trình an sinh xã hội tại địa phương, xây dựng một số mô hình cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
Theo www.molisa.gov.vn
Ý kiến bạn đọc