Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Gary West, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI360) đã trình bày những thông tin được cập nhật gần đây nhất về các công cụ mới trong phòng chống HIV/AIDS, về mô hình đa bậc, khung phân tích đa bậc tại Việt Nam và áp dụng các công cụ này trong việc định hướng cho việc lập kế hoạch cũng như đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam...Đây là những kiến thức mới, rất cần thiết cho công tác đánh giá dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam, đã và đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Giáo sư Gary West, các công cụ dự phòng HIV mới mạnh mẽ hơn đã xuất hiện, tuy nhiên điều quan trọng là làm thế nào để có thể sử dụng các công cụ này một cách tốt nhất, cũng như phải có hệ thống quản lý tốt để thực hiện hiệu quả.
Theo FHI360 đánh giá, hiện nay HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số nơi có ít chương trình can thiệp. Người nhiễm HIV không đi xét nghiệm HIV và sau khi có kết quả dương tính với HIV lại không được kết nối với dịch vụ chăm sóc điều trị liên tục cho đến khi bệnh quá nặng…
Việc tư vấn xét nghiệm HIV kết hợp với điều trị ARV cho đối tượng nghiện chính ma túy có thể giảm đáng kể nhiễm mới HIV và “tiết kiệm chi phí”. Hiện nay độ bao phủ xét nghiệm và điều trị HIV đang tăng lên. Trong đó có gần 70.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và gần 14.000 người được điều trị methadone.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm, thay mặt Tổ Chuyên gia của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cảm ơn Tổ chức FHI360 tại Việt Nam và ông Gary West đã mang đến những kinh nghiệm, kiến thức rất cần thiết, hữu ích cho Việt Nam; đồng thời mong muốn trong tương lai, FHI 360 sẽ tiếp tục phối hợp tích cực cùng Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS một cách thiết thực, hiệu quả.
(www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc