Thật lòng, lúc ấy tôi đã rất khó chịu khi nghe nhận xét kể trên và phải hết sức kiềm chế để không xả cho anh chàng một trận vì cái sự đổ lỗi cho cha mẹ. Nhưng, bình tĩnh để nghe giải thích thêm, tôi thực sự thấy mình phải nghiêm túc suy nghĩ về những điều giới trẻ đang nghĩ, trong chừng mực nào đó rất logic và nhất là có tính thực tế rất cao.
Đó là, hiện nay rất nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học đã rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, nghĩa là đi làm công việc mà mình yêu thích thay vì đi làm theo ngành nghề được đào tạo.
Các bạn trẻ nên tiếp cận nhiều chiều với xu hướng của thị trường lao động và tự quyết định ngành nghề phù hợp với bản thân (Ảnh minh họa: CV)
Thậm chí, để có việc làm và được làm công việc yêu thích, có bạn đã mạnh dạn cất tấm bằng đại học để đi học lớp dạy nghề ngắn hạn với mong muốn được làm công việc mà mình đam mê. Đấy cũng chính là việc mà cách đây không lâu báo chí nói về thực trạng một số trường hợp, để kiếm được việc làm, dù tốt nghiệp đại học nhưng khi đi xin việc vẫn chỉ khiêm tốn khai trong hồ sơ là trình độ 12/12 thay vì khai đầy đủ chuyên môn đã học.
Thực tế cho thấy rất nhiều bạn trẻ đang học đại học phải bỏ giữa chừng vì thấy ngành học không phù hợp, bản thân không có đam mê. Có những bạn tốt nghiệp đại học rồi mới tỏ ra tiếc nuối với vốn thời gian đã bỏ ra. Trong khi đó nhiều bạn trẻ khác nhờ được tư vấn đúng hướng, sớm xác định được ngành học mình yêu thích, có sở trường nên sau khi tốt nghiệp đã rất thành công khi ứng dụng được kiến thức vào công việc.
Sẽ là cực đoan khi "vơ đũa cả nắm", lấy vài trường hợp để cho rằng tình trạng trên là phổ biến trên thị trường lao động. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng đã có một giai đoạn khá dài lớp trẻ không được định hướng, hướng nghiệp một cách bài bản, khoa học trên cơ sở cập nhật các dữ liệu, phân tích các xu hướng của thị trường lao động. Đặc biệt là việc định hướng nghề nghiệp vẫn mang nặng tính áp đặt của người lớn, và dường như, nghề nghiệp của con phụ thuộc nhiều vào toan tính "đầu ra" của các bậc cha mẹ. Và rằng, vì "đã có cửa xin việc cho cháu nên gia đình thống nhất cho cháu học ngành đó" là câu trả lời thường được nghe khi các bậc phụ huynh trả lời về quyết định cho con em mình học ngành nào đấy.
Theo quan sát của tôi, câu chuyện đến năm 2024 đang có những chuyển biến tích cực hơn.
Tuần vừa rồi, trong chuyến đi khảo sát ở một số trường tại phía Nam, gặp gỡ trao đổi với các bạn sinh viên, thật vui khi thấy tư duy của nhiều bạn trẻ đã thay đổi, việc chọn ngành học, chọn trường để học đa số đều được quyết định dựa trên cơ sở cập nhật thông tin, tiếp cận với các kênh tư vấn hướng nghiệp và nhất là đa số đã được chủ động, tự quyết định ngành học cho mình.
Thậm chí, nhiều bạn trẻ cho rằng, để có cơ sở chọn ngành học, học đúng ngành bản thân có sở trường thì cần phải có thời gian trải nghiệm thực tế bằng lao động. Nghĩa là, họ cần được đi làm, thậm chí làm nhiều việc khác nhau một mặt để kiếm tiền trang trải cuộc sống, đồng thời qua đó sẽ thấy được bản thân mình phù hợp với ngành gì, có năng khiếu với nghề gì nhất, từ đó đăng ký học hoặc học nâng cao để nhận được bằng cấp, chứng chỉ tự tin bước vào thị trường lao động.
Nói về thành công trong nghề nghiệp, dân gian hay có câu "nghề chọn người chứ người không chọn được nghề", thế nhưng cũng có tổng kết rằng khi chọn chính xác một ngành nghề phù hợp với bản thân tức là đã thành công một nửa, bởi chọn cho mình một nghề rồi đam mê với nó chính là đã chọn cho mình một tương lai. Ngược lại, chọn sai lầm một nghề đã có thể là lãng phí một nửa đời người.
Và như vậy, để bạn trẻ chọn đúng ngành nghề cho tương lai, vững bước vào đời, người viết bài này nghĩ rằng, bên cạnh sự tư vấn mang tính gợi ý định hướng của các bậc phụ huynh, thì quan trọng hơn phải để cho lớp trẻ tiếp cận nhiều chiều với xu hướng của thị trường lao động, tự quyết định ngành nghề phù hợp với bản thân để có cơ hội theo đuổi đam mê, khát vọng của tuổi trẻ. Đồng thời, cần phải tạo ra cơ chế để người trẻ có cơ hội tham gia thị trường lao động sớm hơn dưới hình thức làm thêm hoặc tập nghề… để họ có cơ hội trải nghiệm, khám phá bản thân tạo tiền đề lựa chọn ngành học phù hợp, tự tin bước vào thị trường lao động với những đóng góp có giá trị, tránh tình trạng lãng phí các nguồn lực và góp phần làm tăng tình trạng thất nghiệp cơ cấu (structural unemployment) trong thị trường lao động.
Và tất nhiên, bên cạnh việc khuyến cáo các bạn trẻ không chạy đua chọn ngành nghề theo thị hiếu, theo phong trào, thì cần phải gạt bỏ được tư duy áp đặt, định hướng có tính "bắt buộc" của các bậc phụ huynh khi chọn nghề cho con với toan tính "cháu nó đã có đầu ra" vốn rất ấu trĩ và làm thui chột động cơ phấn đấu của các bạn trẻ.
(Nguồn: dantri.com.vn)
Tác giả: TS Phạm Anh Thắng là Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM
Ý kiến bạn đọc