Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25.11.2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất việc thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt. Công văn số 5234/LĐTBXH-TTT ngày 23.12.2022, Công văn số 3415/LĐTBXH-CNTT ngày 22.8.2023, Công văn số 388/LĐTBXH-CNTT ngày 22.01.2024 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không tiền mặt…; Công văn số 03/UBND-KGVX ngày 03.01.2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25.11.2022 của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là tiến hành đăng ký mở tài khoản ngân hàng cho người dân thụ hưởng chính sách ASXH và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương chi trả ASXH không dùng tiền mặt.
Kết quả thực hiện chi trả hàng tháng cho đối tượng người có công: Số đối tượng đã có tài khoản: 5.810 đối tượng tỷ lệ 80.1%. Số đối tượng được chi trả qua tài khoản: 3.373 đối tượng tỷ lệ 58%. Số đối tượng đã có tài khoản nhưng chưa thực hiện chi trả: 2.437 đối tượng tỷ lệ 42%.
Về đối tượng bảo trợ xã hội, toàn tỉnh có 41.950 đối tượng nhận kinh phí trợ giúp xã hội. Số đối tượng đủ điều kiện được mở tài khoản: 33.190 đối tượng (trong đó 22.369 đối tượng chính chủ, 10.821 đối tượng được ủy quyền) tỷ lệ 79%. Đã có tài khoản: 15.455 đối tượng tỷ lệ 47%. Chưa có tài khoản: 17.735 đối tượng tỷ lệ 53%. Số đối tượng không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay: 8.760 đối tượng tỷ lệ 21%. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương lập danh sách thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định.
Các địa phương đã thực hiện mở tài khoản ngân hàng cho số đối tượng hưởng chính sách ASXH đạt tỷ lệ cao, như huyện Tân Châu đạt tỷ lệ 99%, huyện Bến Cầu đạt tỷ lệ 98%. Đây là 2 huyện biên giới của tỉnh, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thông qua việc áp dụng nhiều biện pháp và cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện chi trả ASXH bằng hình thức không dùng tiền mặt, tỷ lệ đối tượng thụ hưởng chính sách đăng ký mở tài khoản ngân hàng đạt mức cao.
Sự bất tiện trong việc đến địa điểm chi trả để nhận tiền trợ cấp xã hội, người khuyết tật đang nhờ người khác hỗ trợ trong việc đi lại.
Bà Trần Thị Tánh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Cầu cho biết: “Trên địa bàn huyện có 2.134 đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Để thúc đẩy việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt, chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền và vận động người dân hiểu rõ về việc chuyển đổi hình thức chi trả, giúp họ nhận trợ cấp một cách thuận tiện, nhanh chóng, đúng hẹn và tiết kiệm thời gian đi lại”.
Ông Phạm Tấn Lợi, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Châu chia sẻ: “Trong các đợt chi trả trợ cấp hàng tháng, người cao tuổi, người khuyết tật… thường phải xếp hàng chờ đợi từ sớm tại các điểm chi trả của bưu điện để nhận tiền trợ cấp xã hội. Điều này rất mất thời gian và bất tiện. Xu hướng không sử dụng tiền mặt trong việc chi trả an sinh xã hội là tất yếu trong thời đại 4.0. Dù người dân còn nhiều bỡ ngỡ và boăn khoăn trong việc thay đổi thói quen, nhưng chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền để họ hiểu rõ lợi ích của việc chuyển đổi sang hình thức chi trả không dùng tiền mặt, đồng thời phối hợp các ngành công an, UBND các xã/phường/thị trấn và các ngân hàng đóng trên địa bàn để tập trung mở tài khoản cho các đối tượng. Nhờ đó việc đăng ký chi trả qua tài khoản đạt tỷ lệ khá cao”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương chưa chú trọng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách. Điều này đã dẫn đến công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan về tuyên truyền và mở tài khoản cho đối tượng để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc xác nhận thông tin cá nhân ban đầu của các đối tượng an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay còn nhiều trường hợp chưa khớp, cần thời gian để điều chỉnh.
Đối tượng bảo trợ xã hội đang ngồi chờ nhận trợ cấp.
Vào ngày 07.6.2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Hòa Thành và cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội các phường Long Hoa, Long Thành Bắc và Long Thành Trung thực hiện kiểm tra công tác chi trả chính sách trợ giúp xã hội và tình hình triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Kết quả cho thấy trong số 49 đối tượng/người chăm sóc được khảo sát thì 90% chưa được vận động, tuyên truyền hỗ trợ mở tài khoản phục vụ công tác nhận chế độ trợ giúp xã hội; 100% đáp ứng đủ điều kiện có thể mở tài khoản theo quy định hoặc có người ủy quyền nhận thay. Bưu điện thị xã Hòa Thành đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) thực hiện mở tài khoản cho đối tượng bảo trợ xã hội, tuy nhiên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội không có thông tin cụ thể về số liệu đối tượng đã thực hiện mở tài khoản.
Ngoài ra, trong quá trình trao đổi với đối tượng bảo trợ xã hội/người nhận chăm sóc các địa phương được khảo sát, họ mong muốn được nhận trợ cấp xã hội qua tài khoản thay vì nhận tiền mặt trực tiếp. Chị Nguyễn Hồng Hữu Thanh, 41 tuổi, ở khu phố Long Đại, phường Long Thành Bắc, Hòa Thành, đã chia sẻ: “Hàng tháng, tôi thường phải xin nghỉ làm từ 1 đến 2 giờ đồng hồ để đến bưu điện chờ đợi để nhận trợ cấp người khuyết tật cho chị gái. Tôi mong muốn khoản trợ cấp được chuyển vào tài khoản ngân hàng để không phải mất thời gian đi lại và chờ đợi như hiện nay”. Ông Dương Văn Trí, 92 tuổi, ở khu phố 2, phường Long Hoa, Hòa Thành cũng bày tỏ mong muốn được nhận tiền trợ cấp của qua tài khoản, vì bản thân cũng đã cao tuổi, di chuyển bất tiện, nếu nhận qua thẻ ATM, tôi không cần nhớ ngày đi lãnh trợ cấp, tiết kiệm thời gian và công sức chờ đợi lâu tại điểm chi trả.
Việc tuyên truyền và vận động thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt đang đóng góp tích cực vào sự phát triển và tiện ích của người dân. Chi trả ASXH không dùng tiền mặt giúp đảm bảo tính kịp thời, minh bạch và công khai. Người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH sẽ nhận ưu đãi đúng thời gian, theo danh sách chi trả do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp. Người nhận không phải xếp hàng chờ đợi tại điểm chi trả. Thay vì phải đến các điểm bưu điện để nhận trợ cấp, họ có thể tiếp tục hoạt động hàng ngày một cách thuận lợi, tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi và nhanh chóng. Đây là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt góp phần vào công tác phòng, chống tiêu cực và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, trục lợi. Hỗ trợ kịp thời các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất trong xã hội là một biện pháp quan trọng để khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nhóm đối tượng yếu thế.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động về việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân và đối tượng hưởng chính sách về phương thức chi trả không dùng tiền mặt. Đồng thời, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết chính sách và chi trả ASXH không dùng tiền mặt, giúp đảm bảo không phát sinh thủ tục phức tạp và duy trì quy trình xử lý hiệu quả đối với các công tác liên quan đến chi trả cho đối tượng ASXH. Điều này đảm bảo rằng các đối tượng được hưởng ASXH sẽ nhận chế độ kịp thời, đầy đủ và thuận lợi, đồng thời đảm an toàn trong quá trình thanh toán.
Tác giả: Sông Hương
Ý kiến bạn đọc