Dự thảo Luật việc làm cùng với Bộ Luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật dạy nghề sắp được sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội về việc làm, thị trường lao động phát triển theo các quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà các nghị quyết của Đại hội Đảng đã đề ra, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế đối với riêng người lao động không có quan hệ lao động, mặc dù chiếm số lượng rất lớn trong nền kinh tế, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa có đủ nhân lực và công cụ để quản lý và kiểm soát được về mặt thu nhập và việc làm, mà mới chỉ kiểm soát được về mặt cư trú. Bởi vậy mới nói việc thiết kế chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhóm đối tượng này là điều khó khả thi. Một khi đã không có sự quản lý, việc dự thảo Luật việc làm mở rộng phạm vi áp dụng đối với bảo hiểm thất nghiệp, đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động là quá vội vàng. Đã không quản lý được, vậy lấy gì để chứng minh việc họ mất việc và cần hỗ trợ? Lấy ai bảo vệ quyền lợi cho họ khi cần phải sử dụng đến bảo hiểm thất nghiệp? Bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm ngắn hạn thì mục tiêu quan trọng nhất của chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm... để họ sớm tìm được việc làm. Đồng thời có hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp. Trên thực tiễn, qua 4 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế trong việc thực hiện đúng chức năng, vai trò và chính sách bảo đảm về việc làm toàn diện cho người lao động. Các quy định pháp luật hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ cho người lao động sau khi bị mất việc làm (hầu hết dành cho các lao động có hợp đồng), giải quyết hậu quả thất nghiệp mà chưa có một chính sách duy trì việc làm ngăn ngừa hay hạn chế thất nghiệp. Ngay đối với bảo hiểm xã hội, vốn bắt buộc đối với nhiều đối tượng lao động, cũng do nhiều bất cập mà tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội năm 2012 thì mới đạt khoảng 20%, rất xa với mục tiêu 50%. Tất nhiên, với yêu cầu bảo đảm mục tiêu về an sinh xã hội, vẫn phải cần có những biện pháp để thu hút lao động thuộc nhóm lao động không có quan hệ lao động tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp, nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển. Nhưng đó là về lâu dài. Còn trong bối cảnh hiện nay, khi mà công tác quản lý chưa hoàn thiện, việc vội vàng áp dụng quy định “cứng” vào luật lại có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của những đối tượng lao động này. Nói cách khác, đối với người lao động không có quan hệ lao động, tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện, không nên quy định trong luật mà giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu thí điểm thực hiện, khi có đủ điều kiện mới đưa vào quy định trong luật này. Mục đích tránh những bất cập phát sinh về sau như chúng ta đã không ít lần gặp phải khi vội vàng đưa các quy định vào luật mà thực tế không đáp ứng được, dẫn đến việc phải sớm sửa đổi, bổ sung sau đó. (www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc