Có thể nhận thấy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, an sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, góp phần hình thành xã hội không còn nhóm xã hội bị loại trừ và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước.
Đảng và Nhà nước ta đã hoạch định và triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội quan trọng, huy động được nhiều nguồn lực để trợ giúp cho các đối tượng như người dân tộc thiểu số, người nghèo, người già cô đơn, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương…vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ trên cả 3 phương diện: giúp các đối tượng thụ hưởng khả năng tiếp cận các dịch vụ công công, nhất là về y tế, gíao dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở…; tiếp đó là đảm bảo thị trường, tín dụng, việc làm; phát triển kết cấu hạ tầng để người dân có cơ hội thụ hưởng và phát triển...
Riêng trong công tác giảm nghèo, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, số hộ nghèo giảm từ 29% (năm 2002) xuống còn 9,5% (năm 2011); chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ mức 0,683 (năm 2000) lên mức 0,728 (năm 2011), xếp thứ 128/187 nước, thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Năm 2011, nước ta đã hoàn thành 7/9 nhóm Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) do Liên hợp quốc đề ra cho các nước đang phát triển đến năm 2015. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện hơn, trở thành căn cứ pháp lý quan trọng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Hệ thống bảo hiểm xã hội được quan tâm phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, nhằm chia sẻ rủi ro và trợ giúp thiết thực cho những người tham gia, được triển khai đồng bộ với 3 loại hình: bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế), bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng nhanh từ 4,8 triệu (năm 2001) lên 9,7 triệu (năm 2011). Sau gần 3 năm triển khai, đến năm 2010 có khoảng 96,6 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; trong năm 2011, có khoảng 7,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm y tế cũng tăng nhanh từ 13,4 dân số (năm 200) lên khoảng 62% (năm 2010). Đặc biệt, đã thực hiện chính sách bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo…
Tiếp đó, hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công không ngừng được hoàn thiện, mức trợ cấp ưu đãi năm 2010 tăng 2,2 lần so với năm 2006, thực hiện chính sách ưu đãi thường xuyên cho hơn 1,4 triệu người có công. Hiện trên 90% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư cùng địa bàn.
Đặc biệt, các chính sách trợ giúp xã hội (thường xuyên và đột xuất) được thực hiện rộng hơn cả về qui mô và đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng. Kinh phí trợ giúp thường xuyên từ ngân sách Nhà nước và số người được thụ hưởng tăng nhanh từ 113 tỉ đồng cho hơn 180.000 người (năm 2001) lên 4.500 tỉ cho hơn 1,6 triệu người (năm 2010). Ngoài ra, hàng năm Nhà nước còn trợ cấp đột xuất hàng nghìn tỉ đồng và hàng chục nghìn tấn lương thực, thuốc men, chủ yếu là để trợ giúp và khắc phục thiên tai.
Các phong trào “Tương thân, tương ái”. “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… được tổ chức thường xuyên và thu hút sự hưởng ứng của nhiều tổ chức xã hội, dặc biệt là người nghèo, vùng nghèo./.
Theo www.molisa.gov.vn
Ý kiến bạn đọc