Công nhân làm việc tại Công ty CP dệt Trần Hiệp Thành (Khu công nghiệp Trảng Bàng)
Ít biến động
Từ mùng 9 Tết (30.1.2023), gần 1.000 công nhân Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành (Khu công nghiệp Trảng Bàng) đã bắt tay vào sản xuất. Để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, ngay từ đầu tháng 2, DN đăng thông tin tuyển 11 vị trí việc làm chất lượng cao như: lập trình phần mềm, chuyên viên thiết kế, trưởng phòng chất lượng, kế toán, tiếp thị quốc tế, quản lý... với nhiều đãi ngộ về lương, chế độ phúc lợi, xe đưa đón...
“Công ty có một số vị trí cần tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, chủ yếu các vị trí chuyên môn, quản lý. Năm 2023 ít biến động so với các năm trước, nên công ty không tuyển dụng lao động phổ thông”, ông Nguyễn Qui Hoàng- Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt Trần Hiệp Thành cho biết.
Tại các KCN Trảng Bàng, Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng), KCN Phước Đông (huyện Gò Dầu), không ít DN dựng bảng thông báo tuyển dụng lao động trước cổng công ty, phát tờ rơi, đăng tuyển trên các trang web tuyển dụng; có đơn vị còn đăng thông tin trên các trang mạng xã hội cùng các chế độ phúc lợi để thu hút người lao động.
Có thể kể đến như Công ty TNHH Hantex Group (KCN Thành Thành Công) tổ chức phỏng vấn trực tiếp mỗi ngày từ thứ hai đến thứ bảy, nhân viên công ty giới thiệu người vào làm việc sẽ được thưởng tiền theo đầu người. Công ty TNHH Sailun Việt Nam (KCN Phước Đông) tuyển 1.360 lao động ở các vị trí lao động phổ thông, nhân viên văn phòng, tiếp thị; đồng thời đăng tuyển 200 sinh viên vừa tốt nghiệp cao đẳng, đại học các ngành cơ khí, chế tạo máy, điện công nghiệp, điện tử... không cần kinh nghiệm làm việc.
Tại Cụm công nghiệp Châu Thành, Công ty TNHH VMC Hoàng Gia (DN có vốn đầu tư 100% của Đài Loan, chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu) đăng thông tin tuyển dụng lao động để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Bà Từ Ngọc Chu- Giám đốc Công ty VMC Hoàng Gia cho biết: “Doanh nghiệp có 5.700 lao động. Để bảo đảm kế hoạch sản xuất trong năm 2023, công ty có nhu cầu tuyển thêm 2.000 lao động, cùng nhiều khoản phúc lợi như: chuyên cần, phí điện thoại, con nhỏ, học tập, biến động giá, tổng thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng trở lên”.
Lao động làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh.
Nhu cầu tuyển dụng khá cao
Trên địa bàn tỉnh có 6.116 DN và hợp tác xã, với 286.831 lao động. Trong đó có 32 DN nhà nước (8.724 lao động), 5.636 DN dân doanh (74.972 lao động), 178 hợp tác xã (7.647 lao động) và 270 DN có vốn đầu tư nước ngoài, với 195.488 lao động.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, từ mùng 9 Tết, toàn tỉnh có khoảng 93,2% DN có tổ chức Công đoàn hoạt động trở lại. Riêng Công đoàn Khu kinh tế có 186 DN (tỷ lệ 88,1%) đã trở lại làm việc với gần 100.000 lao động.
Đối với các trường hợp bị tạm hoãn hợp đồng, công ty sẽ liên hệ họ trở lại làm việc khi có đơn hàng. Ngoài lương, người lao động được thưởng đầy đủ và nhận các chế độ phúc lợi theo quy định. Ngành nghề chủ yếu là may, dệt nhuộm, giày, chế biến, điện, cơ khí...
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, tính đến ngày 31.1, trong tổng số 242 DN tại các KCN, KCX, KKT, có 108.291/131.232 lao động trở lại làm việc, chiếm khoảng 82,5%. Số còn lại chưa hoạt động theo kế hoạch (dự kiến 1.2 đến 1.3.2023).
Đáng chú ý, ngay đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục tạm nghỉ do thiếu đơn hàng sản xuất, hoặc chỉ hoạt động 80%. Điều này đã tác động không nhỏ đến nhu cầu việc làm sau tết, dẫn đến sự dịch chuyển lao động để tìm cơ hội nghề nghiệp mới, số khác ở lại địa phương chờ việc.
Dù ít biến động về nhân lực so với các năm trước, nhưng thực tế, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lao động khá cao, bao gồm nhu cầu tuyển dụng lao động mới và tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc.
Theo Ban Quản lý KKT tỉnh, đơn vị đang tổ chức rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các DN đang hoạt động trong các KCN, KCX, KKT. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng lao động trên địa bàn đã trở lại làm việc tương đối ổn định, đạt khoảng 95%.
Ngành kỹ thuật điện, điện tử, cơ khí đang được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng. Ảnh minh hoạ
Kết nối, hỗ trợ người lao động
Ông Nguyễn Đức Hạnh- Trưởng Phòng Dạy nghề - Lao động việc làm và An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, để kết nối người lao động với thị trường việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm thường xuyên cung cấp thông tin thị trường lao động, tăng cường nắm bắt nhu cầu lao động của các DN để kết nối cung cầu, giới thiệu lao động đến DN, tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ và sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nghỉ việc, đẩy mạnh hoạt động tư vấn - giới thiệu việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm.
Hiện Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ban Quản lý KKT tỉnh và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động trong các DN, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định khi các DN có vướng mắc.
Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh chi hỗ trợ 500.000 đồng/người cho người lao động gặp khó do mất việc làm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão- 2023, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người lao động.
Ông Hạnh cho biết, đối tượng được hưởng hỗ trợ là người lao động trên địa bàn tỉnh, kể cả người lao động ngoài tỉnh đang cư trú tại Tây Ninh bị thôi việc, mất việc làm tại các doanh nghiệp do công ty giảm đơn hàng, không có đơn hàng kể từ ngày 1.7 đến 31.12.2022.
“Tính đến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ cho 178 người/1.500 người, với số tiền 89 triệu đồng. Việc hỗ trợ cũng gặp nhiều khó khăn do số người lao động không đến địa phương làm thủ tục, số khác đã rời khỏi địa phương đi tìm việc làm mới. Đơn vị đang phối hợp các địa phương tiếp tục liên lạc để người lao động đến nhận hỗ trợ theo quy định”- ông Hạnh nói.
(Nguồn: Baotayninh.vn)
Tác giả: S? lao ??ng Qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc