Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các nội dung sau:
I. Đối tượng áp dụng
1. Điều kiện đối với doanh nghiệp (tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV)
- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
- Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng.
- Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng.
2. Điều kiện đối với người lao động
Người lao động tham gia khóa đào tạo phải đáp ứng các điều kiện đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục trước khi tham gia khóa đào tạo; Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ở các địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiều số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
3. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề (quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính)
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nhưng tối đa không quá 02 triệu đồng/người/khóa học; mỗi người chỉ được hỗ trợ 01 lần.
- Các chi phí để tham gia khóa đào tạo nghề do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, bao gồm: Phần chênh lệch trong trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức quy định (nếu có); tiền ăn, đi lại và chi phí phát sinh khác.
4. Ngành, nghề được hỗ trợ đào tạo
- Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng do doanh nghiệp lựa chọn, xác định trên cơ sở ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và có trong danh mục ngành nghề tại Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt ngành, nghề đào tạo, mức chi phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Kèm theo Quyết định 933/QĐ-UBND).
- Các doanh nghiệp lập danh sách người lao động có nhu cầu học nghề và đủ điều kiện theo quy định gửi cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để được hướng dẫn hồ sơ nhập học.
- Danh sách người lao động được doanh nghiệp cử tham gia khóa đào tạo nghề gửi cho cơ sở đào tạo nghề nghiệp và Phòng LĐTBXH huyện, thị xã, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, thời gian chậm nhất vào ngày 31/10/2022.
5. Thời gian và chương trình đào tạo
- Thời gian mở lớp: Các cơ sở đào tạo nghề nghiệp khẩn trương khai giảng các lớp hỗ trợ đào tạo cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tháng 11 năm 2022.
- Chương trình đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng theo Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo thường xuyên.
6. Quy trình, hình thức tổ chức đào tạo
a) Doanh nghiệp cử lao động tham gia khóa đào tạo nghề bằng văn bản gửi cơ sở đào tạo nghề nghiệp, đồng thời gửi Phòng LĐTBXH các huyện, thị xã, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Nội dung văn bản kèm theo mẫu sau:
STT |
Họ và tên |
Ngày tháng năm sinh |
Thời gian làm việc tại doanh nghiệp |
Số sổ BHXH |
Ngành, nghề cần đào tạo |
Hình thức đào tạo |
Dự kiến thời gian tham gia khóa đào tạo với từng lao động |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận văn bản của doanh nghiệp, thực hiện công tác tuyển sinh, nhập học đối với người lao động của doanh nghiệp như đối với người học của cơ sở đào tạo nghề nghiệp vào học trình độ sơ cấp theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng theo quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH.
c) Lao động của doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng được tổ chức học theo lớp riêng hoặc học hòa nhập cùng với người học của cơ sở đào tạo, do người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp quyết định và thông báo cho doanh nghiệp, người học trước khi khai giảng học ít nhất 10 ngày làm việc.
Trường hợp người lao động của doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học thì khuyến khích áp dụng hình thức vừa làm vừa học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
II. Tổ chức thực hiện
1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
- Tổng hợp kế hoạch và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và UBND tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
Chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động đang làm việc trong DNNVV đóng trên địa bàn biết được các nội dung quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ và Công văn hướng dẫn này; hướng dẫn các DNNVV thực hiện các quy trình, thủ tục để được hỗ trợ theo quy định.
3. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
- Đôn đốc hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động biết, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề.
- Phối hợp với các Hội nghề nghiệp của tỉnh tích cực triển khai, phổ biến các nội dung theo hướng dẫn tại Công văn này. Tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
4. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo nghề nghiệp
- Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, hướng dẫn người lao động làm việc trong các DNNVV về hồ sơ tuyển sinh, quản lý đào tạo. Tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc đào tạo dưới 3 tháng cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo đúng quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH. Trường hợp người lao động của doanh nghiệp được cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
- Thông báo cho doanh nghiệp tình hình và kết quả học tập của người lao động do doanh nghiệp cử khi kết thúc khóa đào tạo nghề.
- Báo cáo kết quả đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp trong báo cáo tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Lập kế hoạch đào tạo, dự toán kinh phí, báo cáo quyết toán kinh phí tổ chức khóa đào tạo nghề cho lao động trong DNNVV theo mẫu Phụ lục 2a, 2b Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 06/8/2019 của Bộ Tài chính gửi Sở LĐTBXH tổng hợp (Kế hoạch dự toán kinh phí gửi Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở).
5. Trách nhiệm của doanh nghiệp
- Triển khai, phổ biến các chính sách, quy định về hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp biết để người lao động có nhu cầu đăng ký tham gia.
- Tạo điều kiện cho người lao động tham gia khóa đào tạo nghề nghiệp. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách về tiền lương, tiền đóng BHXH, BHYT cho người học trong thời gian đi học theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động và các chi phí khác (nếu có).
- Tham gia giám sát tổ chức đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề đối với lao động do doanh nghiệp cử đi học và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
6. Trách nhiệm của người học
Kê khai đúng, đầy đủ thông tin về bản thân và chịu trách nhiệm về những nội dung đã kê khai trong hồ sơ nhập học. Tham gia học đầy đủ theo chương trình đào tạo của khóa học. Chấp hành các quy định của lớp học, nội quy của cơ sở đào tạo nghề.
Trên đây là hướng dẫn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022. Trong quá trình thực hiện nếu có gặp khó khăn, vướng mắc liên hệ Phòng DN-LĐVLATLĐ hoặc ông Nguyễn Văn Minh, số điện thoại 0918985973 để được hướng dẫn./.
Tác giả: S? lao ??ng Qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc