Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo, những nỗ lực của Ban Tổ chức tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác chuẩn bị và triển khai các hoạt động Tuần lễ quốc gia lần thứ 16. Có thể nói, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về cơ bản đã đi đúng theo hướng đổi mới: gọn nhẹ, tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tạo được sự lan tỏa sâu rộng tới các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trong cả nước. Tuy nhiên, để chuẩn bị Tuần lễ quốc gia trong năm tới, Thứ trưởng đề nghị, Ban chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới và có sự cải tiến về hình thức, phương thức triển khai các kế hoạch nhưng vẫn giữ được tầm quan trọng, vị trí của công tác ATVSLĐ-PCCN, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường sự phối hợp hơn nữa giữa các Bộ, ngành liên quan, nhất là tập trung đẩy mạnh tham gia xã hội hóa các hoạt động đối với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Các hình thức tuyên dương, khen thưởng cần được nghiên cứu để thay đổi phù hợp với xu hướng hội nhập chung với các nước trong khu vực...
Báo cáo về kết quả tổ chức Tuần lễ quốc gia lần thứ 16, Cục Trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết, Tuần lễ quốc gia lần thứ 16 năm 2014 đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và tham gia tích cực, đồng bộ của các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị -xã hội, các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước, phản ánh được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp trong công tác ATVSLĐ. Thông qua các hoạt động, tính quần chúng trong công tác ATVSLĐ – PCCN tiếp tục được phát huy. Bên cạnh đó, các hoạt động thông tin tuyên truyền đã tập trung đi vào nội dung hướng dẫn cụ thể, thiết thực. Các cơ quan thông tin đại chúng đã dành nhiều thời lượng đăng phát liên tục hơn 4.000 các tin, bài, tọa đàm phỏng vấn, phóng sự về đề tài ATVSLĐ; gần 450.000 tờ rơi, áp phích, gần 250.000 ấn phẩm phát miễn phí tới doanh nghiệp, người lao động...Cũng trong dịp diễn ra Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, đã có gần 10.900 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ; hơn 492 người lao động được khám sức khỏe định kỳ; 1.395 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất được tiến hành đo và giám sát môi trường lao động. Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức gần 1.300 cuộc thi ATVSLĐ –PCCN, thi an toàn – vệ sinh viên giỏi. Đồng thời, tổ chức cho hơn 93.300 cơ sở, hộ kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao ký và thực hiện cam kết đảm bảo an toàn PCCN, tổ chức thực tập 472 phương án chữa cháy, huấn luyện ANVSLĐ-PCCN cho hơn 320.000 lượt người lao động...
Tuy nhiên, bên cạnh đó báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại cần được khắc phục trong Tuần lễ quốc gia trong năm tới đó là các hoạt động diễn ra chưa đồng bộ ở các lĩnh vực, đa số mới tập trung ở các khu đô thị, khu công nghiệp còn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các làng nghề, khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế. Nội dung các hoạt động tuyên truyền, cần có sự cải tiến, đổi mới và phong phú hơn để tạo sức lan tỏa sâu rộng. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ-PCCN phải được tăng cường và duy trì thường xuyên hơn. Tổ chức tuyên dương các mô hình, điển hình làm tốt trong công tác ATVSLĐ. Nhất là các cấp cơ sở phải chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực và kịp thời hơn,.v..vv
Theo Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN Trung ương, Lễ phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN lần thứ 17 năm 2015 sẽ được phát động tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tiếp tục thực hiện phương châm chỉ đạo tổ chức Tuần lễ quốc gia đó là, hướng tới xây dựng văn hóa an toàn lao động, phòng ngừa hiệu quả tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, môi trường làm việc an toàn – tốt hơn cho người lao động và doanh nghiệp./
(Theo www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc