Khuyến nghị một số vấn đề về bảo hiểm TNLĐ, BNN trong Dự thảo Luật ATVSLĐ

Thứ hai - 18/05/2015 15:40 825 0
Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) trong Dự thảo Luật An toàn, Vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được thiết kế trong Chương III Chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gồm ba mục thể hiện qua 32 Điều. Dự thảo Luật đã đưa ra một số quy định mới, có ý nghĩa tích cực

 

Dự thảo đã tăng mức thụ hưởng nhằm hỗ trợ tốt hơn khi NLĐ gặp rủi ro về TNLĐ, BNN. Ảnh minh họa

 

 

Về đối tượng áp dụng, trong một số quy định của Dự thảo Luật ATVSLĐ không chỉ áp dụng đối với lao động có quan hệ lao động mà còn được mở rộng cho cả đối tượng không có quan hệ lao động, đồng thời còn áp dụng cho cả người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (khoản 3 và 4 Điều 2). Công tác điều tra, thống kê được coi trọng nhằm quản lý và giám sát tốt hơn các rủi ro của người lao động khi bị TNLĐ, BNN. Dự thảo Luật đã thiết kế một số điều, khoản quy định khá cụ thể về việc khai báo, điều tra và thống kê tai nạn lao động, trong đó có báo cáo về lao động chết do tai nạn trong quá trình làm việc của người lao động không có quan hệ lao động; thống kê và báo cáo về BNN được nêu tại các Điều 30: Khai báo tai nạn lao động; Điều 31: Điều tra tai nạn lao dộng, sự cố nghiêm trọng ; Điều 32: Thống kê , báo cáo tai nạn lao động; và Điều 34: Thống kê, báo cáo Bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã bổ sung một số chế độ đối với người lao động, gia tăng mức thụ hưởng nhằm hỗ trợ tốt hơn khi họ gặp rủi ro về TNLĐ, BNN. Theo đó, một số quy định về chế độ đối với người bị TNLĐ- BNN từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN đã được thiết kế, bổ sung thêm so với quy định trước, như chế độ hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc. Đây là hai quy định mới có tác động tích cực không chỉ đối với người lao động mà còn cả với người sử dụng lao động, giúp họ có ý thức hơn về công tác ATVSLĐ tại đơn vị mình. Cùng với đó, Dự thảo đã quy định chế độ TNLĐ, BNN đối với người lao động trong khu vực không hưởng tiền lương, tiền công nhằm hướng tới sự bình đẳng và công bằng đối với mọi người lao động trong xã hội; Quy định Quỹ TNLĐ-BNN đối với người lao động không có quan hệ lao động với phương thức tham gia tự nguyện trên cơ sở mức đóng và chế độ hưởng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế- xã hội cụ thể từng giai đoạn. Có thể nói, đây là một trong các quy định mang tính định hướng song khá mạnh dạn nhằm tăng độ bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng của chính sách này cũng như đảm bảo sự bình đẳng về quyền  tham gia và thụ hưởng của mọi người lao động trong xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mới, Dự thảo Luật ATVSLĐ vẫn còn một số vấn đề đặt ra, cần được nghiên cứu và làm rõ:
+ Đối tượng áp dụng là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Khoản 4 Điều 2 Dự thảo có quy định đối tượng áp dụng là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, quy định này sẽ được hiểu người lao động nước ngoài làm việc kể cả người có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Điều này sẽ khó khả thi khi áp dụng các quy định của Dự thảo Luật. Đối tượng này nên quy định như Luật Bảo hiểm Xã hội sẽ đảm bảo sự tương thích và khả thi hơn, đó là “Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp” .
Theo Dự thảo, các chế độ đối với người bị TNLĐ-BNN từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN bao gồm 6 chế độ. Dự thảo chưa nêu rõ người lao động nước ngoài nêu trên có được hưởng các chế độ nêu trên không? Và vấn đề bảo hiểm y tế đối với người lao động hưởng trợ cấp hàng tháng khi nghỉ việc cũng cần được làm rõ. Mặt khác, Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi có quy định rõ đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc từ 1/1/2018 và Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với họ. Vậy, Dự thảo Luật nên cân nhắc bổ sung quy định này cho tương thích khi áp dụng.
+ Mở rộng chính sách tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN đối với người lao động không hưởng tiền lương, tiền công. Nội dung này được quy định tại Tiết c khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 60, theo đó, người lao động tham gia BHTNLĐ-BNN theo hướng dẫn của Chính phủ; mức đóng và chế độ hưởng theo điều kiện KT-XH cụ thể từng giai đoạn. Đây là quy định mới và có ý nghĩa tích cực như phần trên đã phân tích, tuy nhiên cần cân nhắc thêm khi thiết kế và thực hiện. Quy định liên quan tới lao động không hưởng lương tham gia bảo hiểm TNLĐ đã được đề cập tại Khuyến nghị 121 về trợ cấp TNLĐ-BNN của Tổ chức ILO năm 1964. Theo đó, tại Khoản 1 Điều 3 có nêu rõ đối tượng điều chỉnh trên cơ sở mở rộng dần phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia. Thể chế các quy định này trong khuyến nghị này thì việc áp dụng trợ cấp TNLĐ-BNN cũng chỉ áp dụng cho một bộ phận lao động không có quan hệ lao động và theo phương thức tham gia tự nguyện.
Cho tới nay, theo thống kê chưa đầy đủ mới có một số ít nước xây dựng và thực thi chính sách này (như Nhật Bản, Hàn Quốc,Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha và Ca Mơ Run) và cũng mới chỉ áp dụng cho lao động trong khu vực nông lâm ngư nghiệp, lao động tự do giới hạn trong phạm vi gặp rủi ro về tai nạn lao động và chưa thực hiện bảo hiểm rủi ro về bệnh nghề nghiệp. Hơn nữa, cũng không có nhiều nghiên cứu đánh giá mặt được và hạn chế của việc thực thi chính sách bảo hiểm TNLĐ tự nguyện của các nước trên để có thể rút kinh nghiệm trong việc vận dụng thiết kế chính sách. Trên thực tế hiện nay, nhiều nước thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ cho các đối tượng thuộc khu vực không có quan hệ lao động dưới hình thức tự nguyện do các công ty bảo hiểm thực hiện với các gói sản phẩm phù hợp do người lao động tự chọn.
Việc quy định như Dự thảo về chế độ này đối với người lao động không hưởng tiền lương , tiền công trong điều kiện hiện nay cũng như trong thời gian tới sẽ là khó khả thi khi mà chưa có sự nghiên cứu căn cơ và đánh giá đầy đủ về chính sách này đối với khu vực không có quan hệ lao động,  kinh nghiệm quốc tế còn hạn chế. Trong khi đó kể cả mặt nhận thức của người lao động và bộ máy tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, do vậy, trước mắt và trong giai đoạn tới nên tập trung thiết kế các quy định và làm tốt các khâu như: Thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người lao động; tập huấn, đào tạo, tư vấn phòng ngừa TNLĐ-BNN; hỗ trợ huấn luyện khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ cho người lao động thuộc khu vực này như trong Dự thảo đề cập là hợp lý hơn.
+ Một số quy định trong dự thảo Luật cần đảm bảo tính đồng nhất trong thiết kế và thực hiện. Cụ thể, tại Điều 30 đã quy định việc điều tra được thực hiện chủ yếu đối với TNLĐ của người lao động có quan hệ lao động; Khoản 4 Điều 30 quy định đối với người lao động không có quan hệ lao động thì khi gặp rủi ro bị chết trong quá trình lao động thì gia đình có trách nhiệm khai báo với UBNN cấp xã và không có quy định về hoạt động điều tra của cơ quan có thẩm quyền; Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 91 lại quy định trách nhiệm của Hội Nông dân trong việc tham gia điều tra TNLĐ khi người bị TNLĐ là nông dân theo quy định của pháp luật là chưa thật chặt chẽ. Thêm nữa, Điều 32 của Dự thảo cũng quy định về thống kê, báo cáo tai nạn lao động kể cả lao động không có quan hệ lao động, song khi thống kê, báo cáo về bệnh nghề nghiệp (Điều 34) lại chỉ đề cập tới người lao động có quan hệ lao động. Như vậy, những người lao động không có quan hệ lao động làm việc tại các nơi môi trường ô nhiễm bị các bệnh hiểm nghèo thì trách nhiệm phát hiện, thống kê, báo cáo, có giải pháp khắc phục sẽ thuộc về cơ quan, cấp nào thực hiện?
+ Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN: Điều 39 của Dự thảo quy định 6 chế độ đối với người bị TNLĐ-BNN mà các chi phí được lấy từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN, trong đó có 2 chế độ quy định tại khoản 5 và 6 là sự bổ sung thêm so với các quy định của chế độ này trong Luật BHXH. Tuy nhiên lại không nêu rõ các chi phí là bao nhiêu, cần thiết phải làm rõ vấn đề này để làm cơ sở cho việc cân đối Quỹ và làm luận cứ cho đề xuất và bổ sung thêm điều quy định về thủ tục, hồ sơ để được hưởng hai chế độ nêu trên…
+ Quy định về các chế độ đối với TNLĐ- BNN được chi trả từ Quỹ TNLĐ- BNN: Tại Điều 39 đã nêu cụ thể 6 chế độ mà người lao động khi bị TNLĐ-BNN sẽ được chi trả. Quy định này liên quan tới các chế độ trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ. Tuy nhiên, tại Điều 51 về trợ cấp một lần khi người lao động chết do TNLĐ- BNN lại chưa được thể hiện rõ việc chi trả lấy từ đâu. Mặt khác, tại Luật BHXH sửa đổi có quy định, quỹ này đóng BHYT cho người nghỉ việc đang hưởng trợ cấp TNLĐ- BNN hàng tháng, do đó, Dự thảo Luật ATVSLĐ cũng nên bổ sung quy định này.
Khuyến nghị một số nội dung cần điều chỉnh, bổ sung
Thứ nhất, chính sách, chế độ đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nên được quy định rõ ràng, cụ thể hơn từ khái niệm, đến chế độ áp dụng và nên có một quy định riêng do Chính phủ quy định như quy định đối với đối tượng này được nêu trong Luật BHXH sửa đổi.
Thứ hai, quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN tự nguyện đối với người lao động không có quan hệ lao động nên được cân nhắc thêm.
Thứ ba, có sự đánh giá đầy đủ hơn về khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN khi mở rộng thêm hai chế độ mới. Việc áp dụng hai chế độ này cũng cần được nêu trình rõ trong phụ lục để người thụ hưởng hiểu được ý nghĩa, mục đích và điều kiện áp dụng một cách đầy đủ hơn.
Thứ tư, nên thiết kê quy định việc khai báo, thống kê, điều tra TNLĐ, kể cả BNN đối với người lao động có việc làm không có quan hệ lao động gặp các rủi ro trong quá trình lao động không chỉ giới hạn trường hợp họ bị chết như trong Dự thảo quy định.
Thứ năm, rà soát lại một cách đầy đủ hơn các điều, khoản liên quan tới các quy định về TNLĐ-BNN do Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN chi trả đã được quy định trong Luật BHXH sửa đổi để đưa vào Dự thảo Luật ATVSLĐ cho chuẩn xác. Bổ sung các quy định về thủ tục hồ sơ giải quyết các chế độ này cho phù hợp với yêu cầu đặt ra, bảo đảm nguyên tắc đơn giản, chặt chẽ và dễ thực hiện cho người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan tổ chức thực hiện.
Thứ sáu, vấn đề giới trong các quy định của Dự thảo còn chưa được thể hiện rõ (ngoài Điều 61 và Điều 66 có đề cập mang tính nguyên tắc). Nội dung này cần được đề cập cụ thể hơn đặc biệt tại các Điều 70, 71, 72 và 73.
Thứ bảy, nên quy định thêm thời hạn giải quyết chế độ TNLĐ-BNN đối với người lao động, tham khảo kinh nghiệm các nước có quy định này để đảm bảo giải quyết quyền lợi không chỉ cho người lao động trong nước mà cả người lao động nước ngoài được phép làm việc tại Việt Nam kịp thời và chuẩn xác.

 

(Nguồn: http://www.molisa.gov.vn)

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay726
  • Tháng hiện tại12,731
  • Tổng lượt truy cập3,360,192
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây