Ảnh minh họa |
Tai nạn lao động nguyên nhân chủ yếu từ phía người sử dụng lao động
Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TBXH), năm 2014, số vụ tai nạn lao động là 6.709 vụ, tăng 14 vụ so với năm 2013; làm 6.941 người bị nạn, tăng 56 người, trong đó số người chết tăng 3 người, số vụ có người chết tăng 30 vụ.
Đặc biệt, số người bị thương nặng tăng 2% và số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên tăng 46%. Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2014 (chi phí tiền thuốc, mai tang, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương…) khoảng 90,78 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 7,76 tỷ đồng.
Dù vậy, theo Cục An toàn lao động, đây mới là con số "do địa phương báo về". Thực tế cho thấy số người chết và bị thương cao gấp 3 - 4 lần so với báo cáo.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Thu Hà - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), có nhiều nguyên nhân gây tai nạn lao động, tuy nhiên để xảy ra tai nạn lao động chết người, thì hơn 70% là nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động (do không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị lao động không đảm bảo, không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động…).
Để giảm bớt phần nào mất mát, thiệt hại cho người lao động, trong một số bộ luật, như: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội... đã quy định rõ ràng về mức độ trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn trong quá trình làm việc.
Tuy vậy, do lao động Việt Nam đến hơn 60% là lao động phi chính thức, khả năng cập nhật quy định của pháp luật còn hạn chế, trong khi các hình thức tuyên truyền pháp luật đến người dân hiệu quả chưa cao, nên nhiều người lao động chịu thiệt thòi trong việc chi trả bồi thường, trợ cấp khi xảy ra tai nạn.
Trợ cấp cả khi lỗi thuộc về người lao động
Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động theo quy định Luật Lao động.
Đối với người lao động bị tai nạn lao động, Điều 145 Bộ luật Lao động quy định, người lao động có quyền tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hàng tháng theo thỏa thuận của các bên.
Bồi thường do doanh nghiệp chi trả Điều 145, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được doanh nghiệp trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Ít nhất được bồi thường 1,5 tháng lương
Ngày 02/2/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2015. Theo đó, bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định, như sau:
Đối tượng được bồi thường là người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết; Người lao động bị bệnh nghề nghiệp theo kết luận của hội đồng giám định y khoa hoặc của cơ quan pháp y có thẩm quyền, thì được bồi thường trong các trường hợp bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc hoặc trước khi chuyển làm công việc khác, trước khi thôi việc, trước khi mất việc, trước khi nghỉ hưu; hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bệnh nghề nghiệp theo kết quả thực hiện khám giám định bệnh nghề nghiệp định kỳ (theo quy định của Bộ Y tế).
Về nguyên tắc, việc bồi thường đối với người lao động bị tai nạn lao động được thực hiện từng lần. Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
Việc bồi thường đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp được thực hiện từng lần. Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) trong lần khám đầu. Từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.
Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ít nhất bằng 30 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5%-10%. Nnếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11%-80%, thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức: Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}.
Trong đó: Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương); 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5%-10%; a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.
Các mức bồi thường, trợ cấp như trên là mức tối thiểu. Việc người sử dụng lao động bồi thường, trợ cấp cho người lao động ở mức cao hơn luật định được Nhà nước khuyến khích thực hiện. Ngoài việc được hưởng bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (nếu có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Nguồn http://www.molisa.gov.vn
Ý kiến bạn đọc