Chiến sĩ Công an Tây Ninh thả hoa đăng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Đồi 82). Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông
Tháng 6.1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ, Thái Nguyên bàn về việc thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ và công tác thương binh liệt sĩ.
Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27.7.1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7.5.1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27.7- Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 hằng năm là dịp để tất cả chúng ta- những người đang được hưởng cuộc sống hoà bình, độc lập, tự do bày tỏ lòng tri ân đối với những thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ đã hy sinh, mất mát qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Ngày 27.7 trở thành một ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc Việt Nam ta; đồng thời, còn tạo dựng, củng cố niềm tin vào chế độ xã hội tốt đẹp, khơi dậy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, lòng tự hào dân tộc và lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với các thế hệ đi trước.
Tây Ninh là vùng đất có truyền thống cách mạng, đâu đâu trên mảnh đất này cũng có thể gọi là ATK, vì trên từng tấc đất đều mang những vết tích của chiến tranh, sự hy sinh, mất mát của người dân Tây Ninh để bảo vệ cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam được an toàn cho đến ngày giành chiến thắng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã luôn quan tâm chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, thể hiện tình cảm, trách nhiệm sâu sắc đối với những người đã chiến đấu, hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc. Đời sống của các gia đình người có công không ngừng được nâng lên.
Tính đến cuối năm 2022, tỉnh có hơn 43.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách khác. Trong đó, 83 người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; 209 người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19.8.1945; 1.467 Mẹ Việt Nam anh hùng; 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1.209 thương, bệnh binh; 11.098 hồ sơ liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; 1.408 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; 521 con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; 969 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 1.792 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; 5.262 người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huân, Huy chương Kháng chiến…
Từ năm 2021 đến cuối năm 2022, Tây Ninh đã xác nhận, công nhận người hưởng chính sách ưu đãi người có công cho 136 trường hợp. Trong đó, đối tượng hằng tháng: 93 trường hợp; đối tượng một lần: 33 trường hợp. Đến thời điểm hiện nay, có gần 8.000 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên với số tiền trên 15 tỷ đồng/tháng.
Thời gian qua, cùng với cả nước, tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công, tập trung giải quyết những tồn đọng về công tác xác nhận, công nhận người có công với cách mạng.
Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; bảo đảm các chế độ chính sách cho đối tượng người có công theo quy định. Ngoài ra, tỉnh vận động từ nguồn xã hội hoá để chăm lo hỗ trợ nhà tình nghĩa cho người có công; các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng trọn đời... Tỉnh còn tổ chức họp mặt các gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp lễ, tết; thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách... giúp các gia đình người có công vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Hiện nay, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú, không còn hộ người có công thuộc hộ nghèo.
Công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tỉnh nhà đặc biệt quan tâm; hệ thống chính sách cho người có công được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động sức mạnh của toàn xã hội hỗ trợ thân nhân của các thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có cuộc sống ổn định hơn, như trong Di chúc trước lúc đi xa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh.
(Nguồn: Baotayninh.vn)
Tác giả: S? lao ??ng Qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc