Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng; hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 90.000 người, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho gia đình người lao động, đồng thời đóng góp vào nguồn thu ngoại tệ cho đất nước khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.
Riêng đối với thị trường Hàn Quốc, hàng năm Việt Nam đưa được khoảng hơn 10.000 lao động đi làm việc.
Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động vẫn còn tồn tại một số hạn chế, trong đó, nổi lên vấn đề người lao động bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, nhất là người lao động làm việc theo Thỏa thuận giữa hai Chính phủ (gọi tắt là Chương trình EPS) tại Hàn Quốc.
Từ năm 2001, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp về cơ chế chính sách, cũng như áp dụng các biện pháp để tăng cường quản lý người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, nhưng tỷ lệ lao động theo Chương trình EPS khi hết hạn hợp đồng không về nước vẫn ở mức cao so với các nước khác có lao động làm việc tại Hàn Quốc.
Trong thời gian tới, nếu không khắc phục được tình trạng này, phía Hàn Quốc có thể sẽ dừng tiếp nhận lao động Việt Nam .
Để tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ bằng nhiều hình thức về chính sách, pháp luật xuất khẩu lao động và các quy định hướng dẫn chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động.
Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục làm việc với phía Hàn Quốc để tích cực phối hợp trong việc quản lý, xử lý vi phạm và đề nghị phía bạn có biện pháp tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc, xử lý nghiêm các doanh nghiệp nước sở tại sử dụng lao động nước ngoài trong đó có người lao động Việt Nam một cách bất hợp pháp.
Bộ phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp giảm tỷ lệ người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tự ý bỏ hợp đồng, không về nước đúng thời hạn; định kỳ tổng hợp báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hạn chế tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đối với những địa phương có tỷ lệ người lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp cao.
(Nguồn: www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc