Tăng giờ làm thêm phải đi kèm với tăng lương cho người lao động - Ảnh minh họa |
Đề xuất tăng giờ làm thêm lên 600 giờ/năm
Theo Bộ luật Lao động, số giờ làm thêm của người lao động sẽ không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm, các trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm. Tổng giám đốc Tổng công ty CP may Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho rằng, số giờ làm thêm được quy định trong Bộ luật Lao động không hợp lý, vì Trung Quốc cho phép người lao động làm thêm 600 giờ/năm, Nhật Bản 720 giờ/năm… “Làm thêm giúp lao động có thêm thu nhập để nuôi người phụ thuộc, đó là nhu cầu thực tế, tại sao chúng ta lại hạn chế mong muốn chính đáng của họ... Cần điều chỉnh theo hướng tăng giờ làm thêm cho người lao động” - ông Nguyễn Xuân Dương đề xuất. Dẫn thực tế từ doanh nghiệp mình, nếu không làm thêm, mức lương của người lao động chỉ khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, nếu làm thêm có thể đạt 7 triệu đồng/người/tháng, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, tăng thời gian làm thêm giúp người lao động giảm nghèo, gắn bó hơn với doanh nghiệp chứ không phải để bóc lột sức lao động của họ.
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú Chu Văn An cho biết, nếu cứ máy móc áp quy định người lao động không được làm thêm quá 300 giờ/năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất theo mùa vụ sẽ điêu đứng. “Vào dịp cao điểm mùa vụ, tôm chế biến được chuyển đến nhà máy quá nhiều, doanh nghiệp phải tăng ca, nhưng nếu như vậy sẽ vi phạm quy định về giờ làm thêm”. Doanh nghiệp này đề xuất tăng giờ làm thêm lên 600 giờ/năm. Còn bà Phan Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty Điện tử Samsung Vina cho hay, doanh nghiệp có hơn 100.000 lao động. Trong quá trình sản xuất, có những mặt hàng mang tính chất “thời vụ”, cần gấp rút hoàn thành đơn hàng để giao cho đối tác nhưng thời gian làm thêm giờ của Việt Nam quy định không quá 300 giờ/năm là quá thấp, khiến doanh nghiệp không xoay xở kịp. “Quy định ngặt nghèo như vậy làm khó doanh nghiệp”.
Cân nhắc khi tăng trần giờ làm thêm
Có thể thấy, hầu như tất cả các buổi đối thoại về vấn đề chính sách, lao động việc làm với các doanh nghiệp trong nước hay có vốn đầu tư nước ngoài đều kiến nghị tăng thời gian làm thêm. Mới đây, trong buổi đối thoại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản cũng kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét tăng giờ làm thêm với lý do “lao động Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng, năng suất lao động chưa cao, đòi hỏi phải làm thêm giờ mới đáp ứng được việc sản xuất”.
Không chỉ chủ doanh nghiệp mà nhiều người lao động cũng đề xuất về việc tự nguyện làm thêm giờ, nhất là vào những ngày lễ, Tết, để cải thiện thu nhập. Theo quy định, công nhân được nhận thêm tối thiểu 150% tiền công cho làm thêm giờ bình thường, 200% làm thêm ngày Chủ nhật, 215% làm thêm giờ ban đêm và 300% làm thêm giờ ngày lễ. Theo tính toán, một số lao động có thể tăng gần gấp đôi thu nhập hằng tháng, từ 4 triệu đồng lên 7 triệu đồng, nhờ làm thêm giờ.
Trước ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, quy định người lao động chỉ được phép làm thêm tối đa 300 giờ/năm đúng là chưa hợp lý. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu nhằm có quy định phù hợp về thời gian làm thêm giờ theo hướng thỏa thuận một cách linh hoạt giữa doanh nghiệp với người lao động, không máy móc. Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng chia sẻ, trên cơ sở ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét tăng mức trần giờ làm thêm.
Tuy nhiên, từ góc độ người lao động, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, hiện nay lương chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu của người lao động. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 235 cuộc ngưng việc của công nhân, mục đích chủ yếu là đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, phản đối tăng ca. Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cần cân nhắc tăng trần quy định giờ làm thêm song điều quan trọng không kém là phải tăng lương phù hợp cho người lao động. “Hiện nay, người lao động có mức thu nhập hằng tháng 3 - 4 triệu đồng chiếm 32,4%, mức 4 - 5 triệu đồng chiếm 26,7%; số còn lại ở mức 7 - 8 triệu đồng. Với mức lương như vậy, họ chỉ đủ sống. Ở nước ngoài, người ta tăng lương để tăng thu nhập, còn mình tăng làm thêm để đủ sống, nên phải xem xét tăng lương phù hợp”.
Nguồn http://www.molisa.gov.vn
Ý kiến bạn đọc