Thứ trưởng Phạm Minh Huân phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ Trưởng Phạm Minh Huân cho biết Hội nghị này đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đi sâu phổ biến, tuyên truyền về các văn bản hướng dẫn của Bộ Luật lao động năm 2012, Luật Việc làm, một số nội dung mới của Luật Bảo hiểm xã hội và các quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động.
Đồng thời, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ cũng giới thiệu 4 vấn đề quan trọng như: tuyển lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; vấn đề hợp đồng lao động, nội quy lao động; lĩnh vực quan hệ lao động về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, đình công và giải quyết đình công; Nội dung mới của Luật Bảo hiểm xã hội; Luật An toàn vệ sinh lao động..
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Hội nghị là diễn đàn chuyển tải thông tin về các quy định mới và cùng trao đổi, đặt câu hỏi hoặc chia sẻ những vướng mắc, khó khăn của các đại biểu. Đây cũng chính là một “kênh” phản ánh hiệu quả để Bộ LĐ-TBXH kịp thời có thay đổi, bổ sung về các chính sách liên quan để tham mưu cho Chính phủ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các ban ngành, cơ quan và doanh nghiệp triển khai tốt các quy định trong các chính sách, văn bản về lĩnh vực lao động- việc làm và các vấn đề khác.
Tại hội nghị, ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm đã trình bày các nội dung liên quan về quy định trong Bộ Luật lao động năm 2012, Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, tập trung làm rõ nội dụng cụ thể như: tuyển lao động, quản lý lao động, chính sách hỗ trợ tạo việc làm…Đặc biệt là về vấn đề quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Vì đây là nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm và có Dự thảo sửa đổi, bổ sung về Nghị định 102.
Theo đó, đối với quy định báo cáo và chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì Dự thảo sửa đổi Nghị định 102 sẽ theo hướng quy định, trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) dự kiến tuyển người lao động phải báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; giảm bớt một số quy định về trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép nếu vào Việt Nam dưới 3 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ, xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật…. hoặc miễn cấp giấy với trường hợp học sinh, sinh viên thực tập đến Việt Nam; hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động sẽ được chấp thuận nếu đầy đủ, quy định chỉ cần có giấy khám sức khỏe ở nước ngoài có xác nhận của lãnh sự và dịch công chứng hoặc giấy khám sức khỏe do Việt Nam cấp…
Về một số vấn đề lao động, các đại biểu được giới thiệu các quy định về hợp đồng lao động, nội quy lao động. Trong đó, nội dung quan trọng được phổ biến sâu là trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm và về một số trường hợp đặc biệt được quy định. Về lĩnh vực quan hệ lao động, các đại biểu được nghe quy định về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, đình công và giải quyết đình công. Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe và thảo luận về các nội dung mới của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật an toàn vệ sinh lao động.
Bên cạnh việc phổ biến quy định về các văn bản, Hội nghị đã dành thời gian đối thoại, giải đáp các vướng mắc của các đại biểu. Vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi cụ thể về nội dung Luật việc làm, quản lý lao động…
Trả lời về trường hợp người đi tù đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng thời gian vào tù thì chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Nay ra tù đủ 60 tuổi có được hưởng lương hưu?, bà Trần Thị Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết: Theo Luật thì trường hợp này được hưởng lương hưu và các thủ tục đều đã có trong quy định, kể cả trường hợp nếu đủ tuổi lãnh lương hưu trong thời gian ở tù thì người đó vẫn được hưởng theo quy định. Tất nhiên, lúc này phải có thêm bước thủ tục về ủy quyền thì cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn cụ thể.
Đối với thắc mắc khi áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi từ 1/1/2016 phải trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động giữ, bà Nga lưu ý, Luật đã quy định thì doanh nghiệp phải chấp hành, vì đó là quyền lợi của người lao động. Do đó, không thể có sự thỏa thuận rồi doanh nghiệp có quyền giữ sổ của người lao động. Khi người lao động giữ sổ thì sai sót, hư hỏng người lao động tự đến giao dịch với các Trung tâm Dịch vụ việc làm để sửa chữa, bổ sung. Doanh nghiệp chỉ có vai trò hỗ trợ mà không phải làm thay người lao động.
Trước thắc mắc của các đại biểu về lĩnh vực lao động – việc làm, Thứ trưởng Phạm Minh Huân lưu ý, đó thực sự là những khó khăn, trở ngại cần được tháo gỡ. Khi Việt Nam tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN thì vấn đề lao động, việc làm sẽ là thách thức lớn. Vì vậy, sắp tới đây, Dự thảo sửa đổi Nghị định 102 quy định về quản lý lao động, trong đó có lao động nước ngoài sẽ theo hướng thông thoáng hơn để tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực cao mà hạn chế tuyển lao động nước ngoài trình độ thấp. Có như thế mới tạo đà cho nước ta cạnh tranh được lao động trong khu vực và tránh mất việc làm cho lao động trong nước.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Xu hướng tuyển dụng lao động tới đây sẽ ưu tiên tuyển dụng trực tiếp hoặc trên các trang mạng điện tử nên các Trung tâm Dịch vụ việc làm phải nâng cao năng lực hoạt động, đổi mới và đa dạng các hình thức hoạt động. Lâu nay, các Trung tâm chủ yếu thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp nhưng bây giờ phải hướng đến thực hiện tốt về tư vấn và hướng dẫn lao động sớm quay lại thị trường lao động; có định hướng về đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Nguồn http://www.molisa.gov.vn
Ý kiến bạn đọc