I. Văn bản 1. Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 20/6/2023 của UBND tỉnh Quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 – 2025.
1. Hiệu lực thi hành: Ngày 30 tháng 6 năm 2023
2. Sự cần thiết, mục đích ban hành
- Sự cần thiết: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020; Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015; Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Căn cứ khoản 5 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định: “Quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Nghị định này”.
- Mục đích: Nhằm kịp thời hoàn thiện các văn bản quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo thẩm quyền phân cấp bảo đảm theo quy định.
3. Nội dung chủ yếu:
Quyết định gồm 07 điều, nội dung của Quyết định, bao gồm:
- Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 - 2025.
- Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 - 2025.
- Hình thức, tỷ lệ, đối tượng, mức vốn và thời gian thu hồi vốn hỗ trợ quay vòng:
+ Hình thức thu hồi để quay vòng: Bằng tiền mặt.
+ Tỷ lệ thu hồi vốn 5% so với vốn ngân sách nhà nước (nguồn ngân sách trung ương) đã hỗ trợ trực tiếp.
+ Đối tượng thu hồi: Thực hiện thu hồi vốn để quay vòng đối với các đối tượng tham gia dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.
+ Mức vốn thu hồi và thời gian thu hồi: Mức vốn thu hồi: Căn cứ tỷ lệ thu hồi vốn quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất do cộng đồng dân cư đề xuất xác định số vốn phải thu hồi; Thời gian thu hồi: Tối đa không quá 03 tháng kể từ khi kết thúc dự án.
+ Tỷ lệ thu hồi, mức vốn thu hồi và thời gian thu hồi phải được thể hiện rõ trong quyết định phê duyệt dự án.
+ Điều kiện thu hồi vốn hỗ trợ quay vòng: Thu hồi vốn hỗ trợ quay vòng đối với các trường hợp triển khai dự án có hiệu quả. Không thu hồi vốn hỗ trợ quay vòng đối với các trường hợp trong quá trình triển khai dự án phải tạm dừng, hủy bỏ vì lý do bất khả kháng; không có kết quả đầu ra theo kế hoạch. Căn cứ vào biên bản xác nhận của Tổ thẩm định do Ủy ban nhân dân cấp huyện thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án ra quyết định không thu hồi vốn hỗ trợ quay vòng.
- Thẩm quyền thu hồi vốn hỗ trợ quay vòng và quản lý, sử dụng vốn thu hồi:
+ Thẩm quyền thu hồi vốn hỗ trợ quay vòng: Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án có trách nhiệm thu hồi vốn ngân sách nhà nước đã hỗ trợ theo dự án được duyệt để thực hiện luân chuyển cho dự án khác được phê duyệt; Ủy ban nhân dân cấp huyện giao nhiệm vụ thu hồi vốn hỗ trợ quay vòng thực hiện dự án cho cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; Kết thúc dự án: Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thu hồi số vốn hỗ trợ quay vòng thực hiện dự án làm cơ sở để các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thu hồi vốn theo quy định.
+ Quản lý, sử dụng vốn thu hồi: Ủy ban nhân dân cấp huyện mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để quản lý nguồn kinh phí thu hồi đã hỗ trợ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn, cụ thể:
Tên tài khoản: Quỹ quay vòng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.
Chủ tài khoản: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Nơi mở tài khoản: Kho bạc nhà nước nơi giao dịch;
+ Kinh phí thu hồi được sử dụng để quay vòng cho các dự án mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để hỗ trợ thực hiện các dự án, phương án sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 – 2025.
II. Văn bản 2. Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐND ngày 20/7/2023 của HĐND tỉnh Quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 – 2025.
1. Hiệu lực thi hành: 31 tháng 7 năm 2023. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 29 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định về mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020.
2. Sự cần thiết, mục đích ban hành
- Sự cần thiết: Căn cứ Khoản 22, Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính Phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, Chính phủ quy định: Trách nhiệm của UBND tỉnh xây dựng, trình HĐND cấp tỉnh quyết định định mức chi ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án, kế hoạch, phương án, nhiệm vụ phát triển sản xuất theo quy định tại Điều 21, Điều 22. Căn cứ Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Điều 30 Luật ngân sách nhà nước năm 2015; Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước, thì việc quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 – 2025 thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh.
- Mục đích: Quy định mức hỗ trợ các đối tượng tham gia thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 – 2025. Nhằm thực hiện có hiệu quả dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 – 2025.
3. Nội dung chủ yếu:
Nghị quyết gồm 06 điều, nội dung của Nghị quyết, bao gồm:
- Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025.
- Đối tượng áp dụng: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo); người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Tổ chức và cá nhân liên quan.
- Mức hỗ trợ:
+ Mức hỗ trợ theo dự án:
a) Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước 50% tổng chi phí nhưng tối đa không quá 02 tỷ đồng thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết.
b) Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng: mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước 60% tổng chi phí nhưng tối đa không quá 360 triệu đồng thực hiện một (01) dự án.
+ Mức hỗ trợ vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi đối với đối tượng tham gia theo thực tế từng dự án.
a) Hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo: mức hỗ trợ tối đa 25.000.000 đồng/hộ;
b) Hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại: mức hỗ trợ tối đa 23.000.000 đồng/hộ;
c) Hộ mới thoát nghèo: mức hỗ trợ tối đa 21.000.000 đồng/hộ;
d) Người khuyết tật (không có sinh kế ổn định): mức hỗ trợ tối đa 21.000.000 đồng/người.
Toàn văn Thông cáo Báo chí số 2291/TCBC-SLĐTBXH ngày 14/8/2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: /uploads/news/2023_08/cong-van-dang-thong-cao-bao-chi_signed.pdf
Nhấn để xem Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 20/6/2023 của UBND tỉnh
Nhấn để xem Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐND ngày 20/7/2023 của HĐND tỉnh
Ý kiến bạn đọc