Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khoẻ người lao động. Kinh phí tổ chức “Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động” từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Ngày 26/5/2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động gồm 7 Chương và 93 Điều (có hiệu lực thực hiện từ 01/7/2016) quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Theo Luật, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; có quyền yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Ý kiến bạn đọc