NCT thường sống cùng với con cháu trong bối cảnh cấu trúc gia đình đang chuyển dần từ truyền thống sang hạt nhân. Tình trạng NCT sống độc thân, neo đơn cũng có xu hướng tăng nhanh. Mặc dù tuổi thọ trung bình của NCT tăng lên nhưng điều này cũng đi kèm với gánh nặng bệnh tật. Già hóa dân số mang lại cơ hội phát huy kinh nghiệm của NCT, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức như, giảm khả năng lao động, giảm thu nhập và sức khỏe suy giảm… Điều này tạo ra áp lực lớn đối với chính sách nhằm đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh, tinh thần tốt và thu nhập ổn định cho NCT.
Sự tăng nhanh số lượng NCT đòi hỏi một lượng lớn nhân lực hỗ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ngành Y tế cần thành lập Khoa Lão tại các bệnh viện để tiếp nhận người bệnh lão có nhiều bệnh phức tạp. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khỏe, hướng dẫn NCT kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phòng bệnh, khám, chữa bệnh về tim mạch, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác cũng rất cần thiết; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho NCT, phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.
Nhân viên Công tác xã hội tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng thăm hỏi người cao tuổi. Việc trao đổi và tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân giúp phát hiện những trường hợp cần hỗ trợ tâm lý và xã hội.
Dịch vụ chăm sóc NCT trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm trong thời gian qua, nhưng thực tế cũng cho thấy lĩnh vực này còn nhiều khoảng trống. Hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa được hoàn thiện tại các tuyến và còn thiếu nhân viên y tế chuyên môn về lão khoa. Không có bệnh viện nào trong tỉnh có khoa Lão riêng. Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố mới chỉ có phòng và giường giường điều trị dành cho lão khoa. Hiện nay, khoa Khám bệnh thực hiện sắp xếp, bóc số khám chữa bệnh ưu tiên cho NCT từ 75 tuổi trở lên. Sự thiếu hụt về chuyên khoa lão khoa, nhân viên y tế và nguồn kinh phí đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho NTC trong tỉnh.
Thêm vào đó, số lượng NCT ngày càng tăng cao và sự phát triển nhanh của gia đình hạt nhân dẫn đến việc sống đơn thân của NCT ngày càng gia tăng. Trong tương lai gần, nhu cầu vào viện dưỡng lão, cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc NCT sẽ rất lớn, nhưng mạng lưới hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu. Hiện toàn tỉnh có 5 cơ sở tổng hợp có chăm sóc NCT, trong đó chỉ có 3 cơ sở chuyên biệt chăm sóc NCT cô đơn, khó khăn, lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Các cơ sở trợ giúp xã hội hiện mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng, chưa thực hiện cung cấp, kết nối nhiều dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở và cộng đồng. Số lượng cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập nhiều hơn so với công lập. Tuy vậy, quy mô chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng thường nhỏ và do các tổ chức tôn giáo thành lập. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu tiếp nhận đối tượng và chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng và phương pháp chăm sóc khoa học…
Trong bối cảnh dân số NCT ngày càng tăng, việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho họ trở thành một ưu tiên cấp thiết. Để thực hiện điều này, cần tập trung vào việc nâng cao năng lực của hệ thống y tế về chăm sóc NCT. Bên cạnh đó là tăng cường và đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc NCT từ việc phát triển các nhà dưỡng lão đến các trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội, mở rộng, thành lập mới các cơ sở trợ giúp xã hội. Việc khuyến khích các tổ chức tư nhân thành lập trung tâm dưỡng lão và cung cấp dịch vụ chăm sóc NCT có thu phí sẽ góp phần đáng kể vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho NCT, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Điều này không chỉ là một nhu cầu xã hội mà còn là một cơ hội kinh doanh, tạo ra một mô hình bền vững cho việc chăm sóc NCT trong tương lai.
Tác giả: P. BTXH&TE
Ý kiến bạn đọc