1. Phân biệt đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khi thực hiện thủ tục hành chính
- Đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo quy định tại khoản 1 , Điều 24 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ,gồm những đối tượng sau:
+ Đối tượng quy định tại các khoản 1 và 3, Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng;
+ Người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;
+ Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
- Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, gồm những đối tượng sau :
+ Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động;
+ Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú;
+ Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Thành phần hồ sơ
- Đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:
+ Tờ khai của đối tượng hoặc người giám hộ (theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định số20/2021/NĐ-CP);
+ Bản sao giấy khai sinh đối với trẻ em, trường hợp trẻ em bị bỏ rơi phải làm thủ tục đăng ký khai sinh theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch;
+ Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật đối với trường hợp là người khuyết tật;
+ Xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền đối với trường hợp nhiễm HIV.
- Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp:
+ Tờ khai của đối tượng hoặc người giám hộ (theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định số20/2021/NĐ-CP);
+ Bản sao CMND, CCCD hoặc giấy tờ tùy thân của đối tượng (nếu có);
+ Biên bản đối với trường hợp khẩn cấp có nguy cơ đe dọa đến an toàn của đối tượng.
- Lưu ý: Đối tượng phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 24 – 72 giờ khi bàn giao vào cơ sở trợ giúp xã hội (theo quy định tại Quyết định số 2093/QĐ-UBND ngày 01/9/2021).
3. Hình thức nộp hồ sơ
- Hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa cấp xã;
- Hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp nộp trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh;
- Ngoài hình thức nêu trên, cả 02 loại hồ sơ đều có thể nộp qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tuyến tại:
+ Cổng dịch vụ công Quốc gia, địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/
+ Cổng dịch vụ công tỉnh, địa chỉ: https://dichvucong.tayninh.gov.vn/
- Lưu ý: Đối với hồ sơ nộp trực tuyến, sau khi có kết quả giải quyết Tổ chức/ cá nhân phải gửi bản giấy về Trung tâm Phục vụ hành chính công hoặc UBND cấp xã để đối chiếu nhận kết quả.
4. Thời hạn giải quyết
- Thủ tục đề nghị tiếp nhận đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: 32 ngày làm việc(giảm so với quy định 02 ngày);
- Cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm tiếp nhận ngay các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp để chăm sóc, nuôi dưỡng và các thủ tục, hồ sơ phải hoàn thiện trong 07 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận đối tượng (giảm so với quy định 03 ngày).