Nâng cao nhận thức của gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Thứ hai - 22/07/2013 15:20 797 0
Kể từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (năm 1990) và ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 1991) tới nay, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với lĩnh vực này.

 

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm thực hiện các chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, bên cạnh rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận thì những hạn chế, yếu kém của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng bộc lộ. Những yếu kém này đã góp phần làm cho một số mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu bảo vệ trẻ em của các chương trình có nguy cơ không đạt được so với mục tiêu kế hoạch đề ra.

Nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia và các nhà quản lý nêu ra: nhận thức của từng gia đình và toàn cộng đồng chưa đầy đủ; năng lực của đội ngũ cán bộ còn yếu kém; dịch vụ bảo vệ trẻ em còn nghèo nàn, chưa có mạng lưới; thiếu hệ thống pháp lý thân thiện với trẻ em; vai trò của quản lý nhà nước còn mờ nhạt, chưa hiệu quả… Bài viết này xin đề cập tới khía cạnh nhận thức của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con em của chính mình.

Vì sao trẻ em chưa thực sự được bảo vệ ngay trong gia đình mình?

Cả từ góc độ pháp lý, cả từ khía cạnh đạo đức, truyền thống thì trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước hết là thuộc về gia đình. Trong nhiều năm qua, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, đời sống tinh thần của nhân dân nói chung và của từng gia đình nói riêng được nâng lên. Những yếu tố cơ bản này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Có thể nói, mặc dù điều kiện, mức độ đầu tư chăm sóc con cái của các gia đình còn chênh lệch nhau, song hầu hết các gia đình đều ưu tiên đến mức cao nhất cho việc chăm lo cho trẻ em được ăn, mặc, học hành, khám chữa bệnh…

Nhận thức của cha mẹ về chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ trẻ em đã từng bước được nâng lên. Tuy vậy, qua sự phản ánh của báo chí và qua các kết quả khảo sát, điều tra thì có thể nói hiện nay tình trạng trẻ em thiếu sự quan tâm, bị xúc phạm, xâm hại, trừng phạt, bạo lực, bóc lột… hiện vẫn đang ở mức cao và càng ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Điều đáng lo lắng là những hiện tượng này diễn ra không chỉ trong môi trường xã hội mà còn ở ngay trong chính gia đình của các em. Nói cách khác, trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được an toàn ngay trong nhà mình, quyền của trẻ em chưa được chính các bậc cha mẹ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Tất nhiên, khi trẻ em bị mất an toàn (cả về thể xác, cả về tinh thần) ngay trong nhà mình thì lỗi trước tiên phải thuộc về cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Có thể kể ra đây một số nguyên nhân chính dẫn đến sự hạn chế trong ý thức của gia đình đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Thứ nhất, đó là do một số quan niệm mang nặng tư tưởng phong kiến còn khá phổ biến như: coi con cái là “sở hữu” của cha mẹ, cha mẹ yêu cầu gì, ép buộc gì con cái cũng phải răm rắp theo, không được bày tỏ ý kiến; quan niệm dạy con là việc riêng của từng gia đình, không ai bên ngoài có quyền góp ý hay can thiệp; nhiều gia đình áp dụng phương pháp “yêu cho roi cho vọt” đối với con; hà khắc với trẻ em gái vì cho rằng “con gái là con người ta”… Chính vì những quan niệm bảo thủ, phong kiến nặng nề này mà trong không ít gia đình, trẻ em đã phải chịu đựng bạo hành về thể xác và tinh thần; ý kiến của các em không được cha mẹ tôn trọng, danh dự bị xúc phạm… Hậu quả là không ít em đã có những hành động dại dột, rất thương tâm; nhiều em bỏ nhà đi lang thang, rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội. Nói cách khác là những em này đã bị chính cha mẹ mình đẩy vào nhóm có nguy cơ trở thành trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ hai là do trình độ học vấn của nhiều bậc cha mẹ còn thấp nên chưa có hiểu biết đầy đủ trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong nhiều gia đình, trẻ em không bị thiếu ăn nhưng vẫn suy dinh dưỡng; khi đau ốm vẫn được cha mẹ đưa đi chữa trị nhưng lại không phải tại các cơ sở y tế; nhà cửa tương đối khang trang nhưng lại có rất nhiều nguy cơ gây tai nạn cho trẻ; kinh tế không quá thiếu thốn nhưng lại rất nghèo về thông tin… Chính vì sự thiếu hiểu biết của cha mẹ mà rất nhiều trẻ em, tuy được sống trong những gia đình tạm đầy đủ về điều kiện vật chất, nhưng vẫn chưa được bảo vệ và chăm sóc một cách phù hợp; rất nhiều trẻ em phải lao động nặng nhọc, mất an toàn, trong khi gia đình, mặc dù rất khó khăn, nhưng vẫn chưa đến mức lâm vào tình cảnh buộc các em phải làm những công việc quá sức hay nguy hiểm đó. Có không ít trẻ em đã trở thành tàn phế do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ. Nói cách khác là chính gia đình đã vô tình biến các em thành trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ ba là hiểu biết của không ít gia đình về Quyền trẻ em còn quá mờ nhạt. Rất nhiều gia đình chăm lo cho con em một cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, chuyện con cái bị cha mẹ xúc phạm, trừng phạt (bằng cách này hay cách khác) lại xảy ra thường xuyên. Đặc biệt là khi trẻ em mắc lỗi, do chưa hiểu biết về quyền trẻ em hoặc có biết nhưng không tôn trọng, không thực hiện, nên nhiều gia đình đã có cách xử lý thô bạo, thiếu thân thiện với trẻ em, khiến các em tự tìm đến những cách giải quyết hết sức đau lòng. Có những gia đình còn dùng trẻ em để giải quyết mâu thuẫn của người lớn (bắt cóc con; bắt con chịu khổ về vật chất hoặc tinh thần, tình cảm để trả thù vợ hoặc chồng; lôi con vào những cuộc tranh cãi của người lớn; sao nhãng trách nhiệm với con sau ly hôn…).

Một vài kiến nghị

Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội luôn có vai trò hết sức đặc biệt trong việc tạo ra sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng nói chung và của từng gia đình, từng cá nhân nói riêng.

Trong nhiều năm qua, truyền thông đã đạt được những thành công quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về Quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em cũng như vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong lĩnh vực này. Thông tin về các vấn đề trẻ em đã được truyền tải tới cộng đồng nhiều hơn về số lượng và thiết thực hơn về chất lượng. Nhận thức của người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức của cộng đồng nói chung và của từng gia đình nói riêng vẫn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và vì thế mà chưa thể biến thành hành động được. Chưa bàn tới môi trường xã hội, chỉ xét riêng trong môi trường gia đình, vấn đề nhận thức về Quyền trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế. Tình trạng này là nguyên nhân (gián tiếp hoặc trực tiếp) góp phần làm gia tăng nhóm trẻ có nguy cơ trở thành trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Sau khi Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động tiếp theo trong giai đoạn 2011 - 2015. Vai trò của truyền thông tiếp tục được nhấn mạnh thông qua dự án “Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội”. Để nâng cao hiệu quả của công tác này trong việc thay đổi nhận thức của gia đình đối với vấn đề bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần thực hiện một cách mạnh mẽ, ráo riết, liên tục, tới từng gia đình để đạt hiệu quả như khi tiến hành truyền thông về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh các chiến dịch truyền thông nhằm vào cộng đồng nói chung thì rất cần có những hình thức tuyên truyền, phổ biến, vận động sao cho phù hợp với gia đình nói riêng. Đối tượng của các chương trình truyền thông càng được xác định cụ thể bao nhiêu thì hiệu quả càng được nâng cao bấy nhiêu. Với mỗi đối tượng - cha, mẹ, trẻ em, ông bà, họ hàng… cần có nội dung và hình thức tuyên truyền thích hợp, sao cho gần gũi, dễ hiểu và thiết thực, tránh tình trạng tuyên truyền chung chung, mang tính chất khẩu hiệu hoặc “thời vụ”.

 

Những nội dung của Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em cần được cụ thể hóa, gắn với những ví dụ thực tế, những tình huống sinh động. Những kiến thức về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần được chuyển tải thành những kỹ năng cụ thể, thiết thực, đơn giản, dễ áp dụng. Có như thế thì mỗi gia đình mới có thể trở thành nơi tôn trọng Quyền trẻ em nhất, nơi bảo vệ trẻ em tốt nhất./.

(Theo www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay1,589
  • Tháng hiện tại38,867
  • Tổng lượt truy cập3,929,165
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây