Đây là cuộc điều tra trên cả nước phủ rộng tới từng hộ gia đình, với bộ câu hỏi tổng quát về nhiều lĩnh vực như thu nhập, địa điểm và điều kiện làm việc… Cuộc điều tra đã mang lại một bức tranh tổng thể về thực trạng lao động trẻ em hiện nay cũng như những tác động của suy thoái kinh tế tới nhóm lao động trẻ em. Theo kết quả chính thức từ cuộc Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em, ước tính 9,6% dân số trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17 ở Việt Nam là lao động trẻ em. Trẻ em tham gia hoạt động kinh tế chủ yếu tập trung tại các vùng nông thôn với tỷ lệ 84,9% chiếm hơn ¾ lao động trẻ em. Theo báo cáo, phần lớn trẻ em tham gia hoạt động kinh tế là lao động hộ gia đình (2,1 triệu trong số 2,83 triệu, chiếm 74,2%). 88% trẻ hoạt động kinh tế thuộc nhóm 5 -11 tuổi, 83% nhóm 12 – 14 và 66% nhóm 15 -17 tuổi là lao động hộ gia đình cho thấy mặc dù phải tham gia hoạt động kinh tế nhưng hầu hết các em đều làm việc trong phạm vi hộ gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 513 ngàn em (chiếm 18% tổng số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế) là lao động làm công ăn lương. Mặc dù vậy rất ít trẻ 5 -11 tuổi (3,7%) và trẻ 12 -14 tuổi (9,2%) làm việc theo hình thức này. Chỉ đến khi trẻ tương đối trưởng thành (15 -17 tuổi) một tỷ lệ đáng kể (26%) trẻ mới thoát khỏi hộ gia đình và đi làm cho người sử dụng lao động khác. Hình thức làm việc này cần được đặc biệt chú ý do trẻ em khi đi làm thuê dễ bị bóc lột và lạm dụng hơn các hình thức làm việc khác.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết “Việt Nam đã và đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa và can thiệp để bảo vệ trẻ em, tạo môi trường lành mạnh cho mọi trẻ em phát triển toàn diện.” . Báo cáo điều tra sẽ là một cơ sở đầu vào quan trọng để các nhà quản lý đưa ra những chính sách để thực hiện những nỗ lực mà Việt Nam đã và đang tiến hành nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em.
(Nguồn: www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc