Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nêu rõ: Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Năm 1991, Việt Nam đã ban hành Luật BVCSGDTE và được sửa đổi vào năm 2004. Luật BVCSGDTE đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm mục đích tạo ra môi trường pháp lý, đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.
Qua 8 năm triển khai thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em theo quy định của Luật đã có những bước tiến rõ rệt. Năm 1996, chỉ có khoảng 60% trẻ em được khai sinh đúng độ tuổi thì đến năm 2012 tỉnh thấp nhất đạt 75%, rất nhiều địa phương tỷ lệ này đạt 100%. Chỉ sau một năm thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em thì tỷ lệ trẻ em phải lao động nặng nhọc và trong điều kiện nguy hiểm, độc hại đã giảm.
Hiện nay, các tỉnh miền núi đều có trường học nội trú dành cho các học sinh dân tộc ít người. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi (thể nhẹ cân) ngày càng giảm. Năm 2005, tỷ lệ này ở Lai Châu là 73,5%, đến năm 2012 giảm xuống còn 58% và thể thấp còi giảm từ 9,5% năm 2005 xuống còn 8,3% năm 2012. Các địa phương triển khai cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, tỉnh có tỷ lệ cấp thẻ BHYT đạt cao nhất là 98%. Tỷ lệ huy động trẻ em đi học đúng độ tuổi ở các cấp học và cả số nhà trưởng được xây mới tăng hàng năm. Nhiều tỉnh, tỷ lệ trẻ em 3- 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 100% (Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc…).
TS. Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng, Luật cần phải bổ sung dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: Phòng ngừa, can thiệp giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ, trợ giúp tái hòa nhập cộng đồng. Trong thực tế, đã có một số nội dung mới so với quy định trong luật hiện hành cần được cập nhật như: hệ thống bảo vệ trẻ em, dịch vụ bảo vệ trẻ em, chăm sóc thay thế, tư pháp thân thiện, công tác xã hội trẻ em… Trên thế giới, một số nước đã có cơ quan độc lập là người đại diện cho trẻ em nhưng ở Việt Nam khái niệm này còn rất mới, trong lần sửa đổi luật lần này cũng nên xem xét về việc quy định thành lập cơ quan này.
Bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam khẳng định Unicef sẽ luôn đồng hành hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình sửa đổi Luật. Trong các cuộc hội thảo, những lần trao đổi với lãnh đạo các Bộ ngành, Unicef đều đề nghị một số vấn đề cần được xem xét đưa vào Luật sửa đổi lần này: độ tuổi của trẻ trong luật cần được áp dụng theo Công ước quốc tế là dưới 18 tuổi; cần công nhận quyền bảo vệ trẻ em là dành cho tất cả trẻ em, không chỉ dừng lại các nhóm cụ thể được xác định trong các văn bản luật; chuyển đổi phương thức dựa trên các chế tài sang phương thức lấy trẻ em làm trung tâm để hướng tới xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em và thế giới; cần có cơ chế tham vấn trẻ em đối với các vấn đề liên quan; xây dựng một khung về quan sát và đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều nhận định các nội dung và nguyên tắc của Luật đã đi vào đời sống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội đối với việc BVCSGDTE. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế đòi hỏi cần khắc phục.
Làm rõ những hạn chế, ông Đặng Đức San – Vụ trưởng Vụ Pháp chế phân tích, Luật BVCSGDTE năm 2004 mới chỉ đề cập đến 10 nhóm quyền trẻ em (Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định khoảng 28 nhóm quyền), các quyền còn lại được quy định tản mạn ở nhiều đạo luật khác. “Theo kết quả rà soát các văn bản luật hiện hành thì có tới 22 đạo luật có liên quan đến quyền trẻ em như: Bộ luật Lao động; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự...” – ông San nói.
Bên cạnh đó, các quy định về quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em, các hành vi nghiêm cấm, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em vẫn mang tính định hướng, chưa cụ thể, chưa quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, dẫn đến nhận thức và việc tổ chức triển khai thực hiện ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo ông San, định nghĩa về trẻ em theo quy định của luật vẫn có sự giới hạn (công dân Việt Nam). “Từ đó có vấn đề đặt ra với thời đại toàn cầu hóa là đối với công dân nước ngoài sống ở Việt Nam có độ tuổi dưới 16 có được đối xử như trẻ em Việt Nam không?” – ông San đặt vấn đề.
Một trong những bất cập nữa được ông San chỉ rõ là Luật quy định độ tuổi của trẻ em là từ 16 tuổi trở xuống. Trong khi đó, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và nhiều điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà Việt Nam đã ký kết, tham gia lại quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi. Ông cho biết thêm, hiện nay Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới còn quy định độ tuổi trẻ em dưới 16.
Việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định của Luật hiện hành cũng không còn phù hợp. Quy trình điều phối, phối hợp các hoạt động bảo vệ trẻ em từ các khâu phòng ngừa, phát hiện, can thiệp đối với trẻ em nói chung, trẻ em có nguy cơ và hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa rõ ràng, đồng bộ.
Từ những phân tích trên, ông Đặng Đức San đề xuất một số điểm cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, sửa đổi độ tuổi của trẻ em cho phù hợp với công ước quốc tế; bổ sung nguyên tắc tôn trọng quyền được bày tỏ ý kiến và quan điểm của trẻ em; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan sau khi đã có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức...
Đánh giá việc đảm bảo quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch của trẻ em theo Điều 29 của Luật BVCSGDTE, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay từ thành phố đến nông thôn đều trong tình trạng thiếu chỗ vui chơi cho trẻ em; các thiết chế văn hóa tại cộng đồng (nhà văn hóa xã, thôn bản...) chủ yếu là để hội họp, không có trò chơi cho trẻ em; nhiều xã nghèo còn là điểm trắng về điều kiện dành cho trẻ em được sinh hoạt vui chơi, giải trí...
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BVCSGDTE cần chú trọng các biện pháp đảm bảo thi hành Luật, mang tính khả thi; xây dựng các Đề án, Dự án cụ thể để thực hiện từng nhiệm vụ, mục tiêu, tránh lãnh phí và phát huy chức năng, thế mạnh của mỗi ngành, địa phương; xây dựng chính sách ưu đãi đối với các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ trẻ em...
(Theo www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc