Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, chính sách đối với người có công là một chính sách lớn, đối tượng đông, đặc biệt là sau khi sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 2012, cả đối tượng người có công và chính sách đều được bổ sung. Qua đánh giá thực hiện những năm vừa qua, đại bộ phận các địa phương thực hiện đúng, đủ và nghiêm túc các chế độ chính sách đối với người có công. Tuy nhiên, qua công tác quản lý Nhà nước, bằng việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện ở các địa phương vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, nhất là đối với những trường hợp không còn hồ sơ gốc, những hồ sơ tồn đọng do hướng dẫn của Trung ương.
Theo Bộ trưởng, để làm tốt những vấn đề này phải có những văn bản cụ thể hướng dẫn thực hiện. Ngày 22.10.2013, liên Bộ Lao động- TBXH và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 28 hướng dẫn giải quyết những trường hợp mất hồ sơ gốc. Đối với những hồ sơ của đối tượng là nạn nhân chất độc da cam hiện đang còn tồn đọng chưa được giải quyết đã có hướng dẫn theo Thông tư liên tịch của Bộ Y tế- Bộ Lao động- TBXH về quy trình xác lập, đánh giá tỷ lệ thương tật để đối tượng được hưởng chế độ. Riêng đối với những văn bản mới của nghị định, bằng các thông tư hướng dẫn mới rất cần sự hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng quy định và đúng đối tượng. Trong quá trình thực hiện chính sách đã phát hiện một số địa phương có sai phạm. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố có khoảng 7.000 đối tượng bị cắt trợ cấp người có công do sai phạm và thu về cho ngân sách 75 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, muốn làm tốt vấn đề này sau khi kiểm tra phát hiện cần phải có sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan, ban ngành.
Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng mong muốn, các địa phương cần thảo luận kỹ tại sao công tác chăm sóc người có công, nhiều chính sách đã đúng nhưng trong quá trình tc thực hiện vẫn còn có những sai sót, nguyên nhân tại đâu và làm thế nào hạn chế thấp nhất những sai phạm, tiêu cực xảy ra. Đối với những hồ sơ làm giả, tùy từng mức độ sai phạm cần có hình thức xử lý phù hợp, thậm chí có một số vụ đã bị đưa ra truy tố trước pháp luật. Hiện Bộ đang triển khai thực hiện các kết luận thanh tra và xem xét trách nhiệm của những người sai phạm.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Lao động - TBXH, trong 2 năm 2012- 2013, qua thanh tra tại 13 tỉnh, thành trong cả nước cho thấy, cơ quan chuyên trách là ngành Lao động- TBXH các địa phương đã phối hợp tốt với các ngành có liên quan thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Các địa phương đều thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về người có công với cách mạng; hoàn thành cơ bản việc điều tra, phát hiện và xác nhận thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học. Ban Chỉ đạo từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh nói chung đã tổ chức xét duyệt tập thể, công khai và dân chủ. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tự rà soát hồ sơ người có công chuyển đến theo đề nghị của Thanh tra Bộ. Công tác chi trả trợ cấp, phụ cấp cơ bản được thực hiện tốt, mọi chế độ ưu đãi đều trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, thanh tra cũng đã phát hiện ra nhiều sai phạm của các địa phương trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Cụ thể như trong công tác tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đã phát hiện có 609/7.460 hồ sơ có sai sót, chiếm tỷ lệ 8,16%, qua đó đã đình chỉ trợ cấp đối với 160 hồ sơ thương binh, 103 hồ sơ chất độc hóa học; tạm dừng trợ cấp 188 hồ sơ thương binh và 158 hồ sơ chất độc hóa học.
Những dạng sai sót chủ yếu được phát hiện là giả mạo, khai man hồ sơ thương binh để được hưởng chế độ ưu đãi như: giả mạo, khai man giấy tờ chứng minh bị thương, giả mạo giấy tờ y tế chứng minh điều trị vết thương tái phát- một trong những điều kiện để được giám định lại thương tật; hồ sơ không đủ giấy tờ theo quy định, người làm chứng không hợp pháp, mâu thuẫn về thời gian ghi trong hồ sơ, trình tự xác lập hồ sơ... Đối với hồ sơ chất độc hóa học, thì giả mạo hồ sơ y tế như bệnh án giả, đối tượng không thực hiện quá trình điều trị bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học theo danh mục bệnh, tật theo quy định tại Quyết định 09/2008/QĐ- TTg, giả mạo giấy tờ gốc chứng minh tham gia kháng chiến như tẩy xóa, sửa chữa, viết thêm địa bàn hoạt động...
Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ đã kiến nghị thu hồi hơn 10 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước, trong đó có 9,5 tỷ đồng chi trợ cấp hàng tháng không đúng đối tượng. Song theo báo cáo của các địa phương, đến nay mới thu hồi được hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong công tác quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mang cũng có những sai sót như lập dự toán, giao dự toán thực hiện chính sách ở nhiều địa phương còn chậm; chứng từ chi trả tiền trợ cấp hàng tháng còn tình trạng ký nhận thay không có giấy ủy quyền; chi trả tiền điều dưỡng tại gia đình cho đối tượng trong khi kinh phí điều dưỡng được giao từ đầu năm...
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số địa phương trình bày tham luận, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công và một số kiến nghị, đề xuất. Đồng thời nghe ý kiến trả lời, giải đáp chính sách của những đơn vị liên quan như Cục Người có công, Vụ Kế hoạch Tài chính và Thanh tra Bộ./.
(Theo www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc