Chính sách ưu đãi người có công: Nhiều thay đổi lớn cho đối tượng

Thứ bảy - 07/06/2014 16:15 766 0
Năm 2012 và 2013 là khoảng thời gian mà chính sách ưu đãi người có công với cách mạng có nhiều thay đổi lớn. Ngày 16/7/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; ngày 9/4/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh. Theo đó, nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung có lợi cho đối tượng thụ hưởng chính sách…

 

Theo các văn bản nói trên, Nhà nước thực hiện trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng, hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; bổ sung trợ cấp người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được chia làm 4 mức, thay vì 2 mức như trước đây; bổ sung chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ v.v...
Để triển khai thực hiện các quy định của Pháp lệnh và Nghị định, Bộ LĐ – TBXH đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi, phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ...
Theo thống kê, tính đến tháng 8/2011, cả nước đã xác nhận được 8.841.199 người có công (NCC), chiếm khoảng 10% dân số. Trên 1,5 triệu NCC và thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Năm 2012, chỉ tính riêng kinh phí chi trả trợ cấp, phụ cấp là 25.640 tỷ đồng; năm 2013 là 29.380 tỷ đồng. Chưa kể đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ nguồn vồn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng các công trình phục vụ NCC, hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ về nhà ở, ưu đãi giáo dục cho NCC với cách mạng và thân nhân của họ.Ngoài ra, theo báo cáo của Hội cựu Thanh niên xung phong (TNXP), cả nước có 91.000 TNXP được giải quyết trợ cấp một lần và 5.508 người được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999. Có 24.879 TNXP hưởng trợ cấp một lần và 713 người hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 (tính đến tháng 9/2013). Trong số đó, có 4.921 TNXP được công nhận liệt sĩ; 33.938 TNXP được xác nhận người hưởng chính sách như thương binh. 
Đảm bảo chính sách đến đúng đối tượng
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn có những NCC chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chế độ chính sách; bên cạnh đó cũng có một số đối tượng hưởng sai chính sách.
Bộ trưởng Bộ LĐ – TBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg về Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Đây là đợt tổng rà soát đầu tiên trên diện rộng, với 7 đối tượng: Liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; NCC giúp đỡ cách mạng và cựu TNXP. Đợt tổng rà soát thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với NCC, nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp có công nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách; đồng thời, xử lý những đối tượng không đúng là NCC, nhưng khai man để hưởng chế độ chính sách.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, để thực hiện cuộc tổng rà soát này, Bộ LĐ – TBXH phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để huy động lực lượng toàn xã hội tham gia, đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội cựu TNXP cùng tham gia thực hiện. Ban chỉ đạo rà soát đã phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đoàn thể chính trị xã hội, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam rà soát đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội cựu TNXP rà soát đối tượng cựu TNXP; Hội Cựu chiến binh Việt Nam rà soát đối tượng thương, bệnh binh...
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, cách phân công cụ thể như trên sẽ tạo thuận lợi cho việc tổng hợp, thực hiện chính sách đối với NCC. Đây là việc làm khó, tuy vậy, với sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội và cả các cấp thì sẽ thành công, bởi tất cả các đối tượng đều ở trong nhân dân. Cuộc rà soát huy động được sự tham gia của người dân thông qua đoàn thể của mình, mức độ chính xác sẽ tốt hơn.

 

(Nguồn:  www.molisa.gov.vn)

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay2,741
  • Tháng hiện tại49,275
  • Tổng lượt truy cập3,811,738
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây