Trong những năm qua, việc thực hiện quy trình quản lý, chi trả trợ cấp, quyết toán kinh phí người có công theo Hợp đồng trách nhiệm giữa Phòng Lao động- TBXH cấp huyện với UBND cấp xã và cán bộ chi trả đã phát huy nhiều ưu điểm. Công tác chi trả được thực hiện kịp thời, đúng kỳ, đúng người, đủ số tiền và đến tận tay đối tượng thụ hưởng, qua đó đã gắn kết vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã và cán bộ làm công tác quản lý, chi trả.
Tuy nhiên, hiện tại công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chế độ chính sách ưu đãi ở một số địa phương còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục như- Mặc dù theo hướng dẫn của Bộ, các địa phương phải chi trả các chế độ trợ cấp trước ngày 5 hàng tháng, tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chi trả trợ cấp cho đối tượng vào ngày cuối tháng. Mặt khác, việc chi phương tiện trợ giúp, đồ dùng sinh hoạt, vật phẩm phụ và trợ cấp mai táng phí chưa kịp thời, ký không ghi rõ họ tên hoặc ghi họ tên nhưng không ký, thậm chí còn có trường hợp một người ký nhận hộ nhiều người nhưng không được ủy quyền.
- Sở, Phòng Lao động- TBXH, UBND cấp xã còn phó thác cho cán bộ chi trả trong việc nhận tiền trợ cấp từ huyện về xã, chi trả trợ cấp mà chưa hỗ trợ phương tiện cần thiết để bảo quản tuyệt đối an toàn tiền và hồ sơ chi trả trợ cấp ưu đãi người có công.
- Công tác tăng, giảm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng chậm (có xã báo tăng, giảm chậm từ 1 đến 3 tháng, một số trường hợp chấm hơn 6 tháng) nên đã có những trường hợp đối tượng đã từ trần mà vẫn được hưởng trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế...
- Quyết toán cả số kinh phí chưa chi trả cho đối tượng trong kỳ, không thực hiện lưu danh sách chi trả tại xã, phường dẫn tới khó khăn trong khâu đối chiếu khi có thắc mắc của đối tượng cũng như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
- Chi trợ cấp không đúng đối tượng (chi cho đối tượng giả mạo hồ sơ, khai man hồ sơ, trùng đối tượng, trùng trợ cấp), chi trả tiền chất độc hóa học không đúng chế độ, không đúng đối tượng, sai thời điểm truy lĩnh (thời điểm được hưởng trợ cấp không đúng ngày Giám đốc Sở Lao động- TBXH ra quyết định).
- Bộ phận kế toán chưa thực hiện đầy đủ chức năng giám đốc tài chính trước khi thực hiện chi tiền như chưa kiểm tra, kiểm soát hồ sơ đối tượng tăng trước khi thực hiện chi trả trợ cấp; việc thực hiện công khai đối tượng tăng tại nơi cư trú còn hạn chế.
Theo ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Lao động- TBXH), trong năm 2012, qua kiểm tra, thanh tra, đã có 17 Sở Lao đông- TBXH quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi người có công không đúng quy định. Bộ đã yêu cầu giảm quyết toán so với số báo cáo của các Sở, bao gồm 04 Sở phản ánh nhầm số liệu, hồ sơ quyết toán chưa đảm bảo, quyết toán cả trợ cấp chưa chi trả cho đối tượng hoặc chi quyết toán bằng số kinh phí Bộ đã kiến nghị nộp trả năm trước; 15 Sở chi quyết toán cho đối tượng giả mạo hồ sơ và khai man hồ sơ. Đến hết năm 2012, có 36/63 Sở vẫn còn phải chi trả trợ cấp cho 9.246 đối tượng với tổng kinh phí 17,2 tỷ đồng, gồm trợ cấp hàng tháng của 2.284 đối tượng và trợ cấp một lần của 6.962 đối tượng.
Cũng theo ông Phụng, trong công tác chi nghiệp vụ quản lý, năm 2012, tổng kinh phí các Sở đề nghị quyết toán là 400,3 tỷ đồng, đạt 94,3% tổng kinh phí được sử dụng; năm 2013, ước thực hiện là 453,5 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2012. Trong quá trình quản lý, sử dụng cũng đã có một số sai sót như: Một số địa phương để lại chi tại Văn phòng Sở Lao động- TBXH nhiều như Đồng Nai (46,2%), Đồng Tháp (58,77%), Cần Thơ (54,75%), Hưng Yên (46,2%), Hà Nam (38,6%), Điện Biên (34,5%) nhưng chủ yếu chi phục vụ quản lý hành chính tại Sở (chi văn phòng phẩm, công tác phí, làm thêm giờ...), mua sắm sửa chữa tài sản thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, không liên quan trực tiếp đến các hoạt động nghiệp vụ về quản lý đối tượng, quản lý hồ sơ và quản lý tài chính, kế toán đối với kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công. Trên cơ sở đó, đã có 25/63 Sở bị loại khỏi quyết toán năm 2012 và thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 1,44 tỷ đồng do chi không đúng nội dung và chi vượt nguồn kinh phí được sử dụng, gồm Sở Lao động- TBXH Hà Nội 11,2 triệu đồng, Hải Phòng 8,4 triệu đồng, Hưng Yên 459 triệu đồng, Ninh Bình 28 triệu đồng... Nhiều Sở để dư kinh phí, bị hủy dự toán tại Kho bạc trong khi có rất nhiều nhiệm vụ không có kinh phí để thực hiện./.
(Theo www.molisa.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc