Kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội

Thứ sáu - 26/01/2018 17:05 805 0
Ngày 23/1/2018, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Cán sự Đảng Bộ đã có buổi làm việc với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc tổng kết công tác năm 2017 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2018. Tham dự và chỉ đạo có đồng chí Đào Ngọc Dung, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ – TBXH; các đồng chí Thứ trưởng: Doãn Mậu Diệp, Đào Hồng Lan, Lê Tấn Dũng, Lê Quân; bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ – TBXH, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị và lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

dn.png

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc


Tạo những chuyển biến ban đầu về chất lượng GDNN

Năm 2017 là năm đánh dấu mốc quan trọng trong việc thống nhất quản lý Nhà nước, phát triển hệ thống GDNN và vận hành theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Khi Bộ LĐ – TBXH chính thức được Chính phủ giao quản lý thống nhất hệ thống GDNN, Bộ đã hoàn thành việc bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về GDNN đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (trừ các trường sư phạm) từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ LĐ – TBXH; đồng thời, thực hiện chuyển giao, kiện toàn tổ chức bộ máy và sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý từ Trung ương đến địa phương; hướng dẫn các cơ sở GDNN xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ – TBXH, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam tham gia góp ý một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam

Kết quả, đã tạo những chuyển biến ban đầu về chất lượng GDNN, cụ thể: (1) Hình thành được 1 hệ thống GDNN thống nhất, vận hành theo quy định của Luật GDNN; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN được ban hành tương đối đầy đủ, bao phủ hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực GDNN, bảo đảm hệ thống GDNN vận hành tốt theo đúng quy định của pháp luật. Các văn bản đã cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm việc đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực GDNN thuận lợi, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian thực hiện (2) Tuyển sinh năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực, đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhất là tuyển sinh trung cấp đầu vào là THCS; chất lượng đào tạo được cải thiện (tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90% với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng; đã chuẩn bị các điều kiện về csvc, đội ngũ giáo viên và bộ chương trình chuyển giao để triển khai đào tạo thí điểm theo chuẩn của Úc từ tháng 01/2018; (3) Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình các cơ sở đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, cam kết trả lại học phí nếu học sinh không có được việc làm với mức thu nhập thỏa đáng sau khi tốt nghiệp. (4) Nhận thức của người dân, xã hội về GDNN đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều gia đình đã động viên, ủng hộ con em học nghề như là một lựa chọn bình thường chứ không phải là miễn cưỡng như trước kia để nhanh chóng tham gia vào thế giới việc làm, thị trường lao động.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, lĩnh vực GDNN cần có dự báo thị trường lao động để định hướng đào tạo

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những mặt chưa được như: Cơ cấu đào tạo GDNN còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%; Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế; Học sinh, sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm.., kỹ năng khởi nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp của học sinh ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn cao; Mạng lưới cơ sở GDNN còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo. Chưa hình thành được các trường chất lượng cao đạt trình độ quốc tế; Chậm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở GDNN công lập; Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý nhà nước về GDNN ở các bộ, ngành và địa phương còn thiếu, yếu, phần lớn thực hiện kiêm nhiệm.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Tổng cục đẩy mạnh công tác phối hợp, chủ động phát huy vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN

Năm 2018, để thực hiện mục tiêu tuyển sinh đạt 2,2 triệu người; Phấn đấu giảm tối thiểu 2,5% số cơ sở GDNN công lập; Phấn đấu tối thiểu 2,5% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính và giảm 2,5% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các cơ sở GDNN công lập, lĩnh vực GDNN sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau: (1) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN, tạo hành lanh pháp lý để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN;  (2) Tăng cường và đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyềnnâng cao nhận thức của người dân, xã hội về GDNN, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu tuyển sinh GDNN trong năm 2018; (3) Sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuẩn bị lộ trình đổi mới, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDNN; (4) Xây dựng các chuẩn áp dụng trong GDNN; đổi mới tổ chức đào tạo tiếp cận với các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới; (5) Tăng cường các giải pháp gắn kết với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một chủ thể trong quá trình đào tạo; gắn kết chặt chẽ giữa GDNN với thị trường lao động trong và ngoài nước; (6) Triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước; trong quản lý, đào tạo ở các cơ sở GDNN (7) Tăng cường hợp tác quốc tế; (8) Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp phát triển GDNNđáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác GDNN, huy động cả cộng đồng chung tay cho đào tạo nghề, nâng cao năng suất chất lượng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Thứ trưởng Lê Quân khẳng định công tác quản lý cần dựa trên nền tảng CNTT, từ đó giúp Bộ quản lý được chất lượng, làm cơ sở dữ liệu phục vụ người học, công tác tuyển sinh

Giao quyền tự chủ phải gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương các kết quả lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói chung và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nói riêng đã đạt được trong năm 2017, biểu dương sự cố gắng của Tập thể Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng như cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục đã nỗ lực, cố gắng để đạt được các kết quả đáng khích lệ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu kết luận buổi làm việc

Xung quanh câu chuyện về Giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Tổng cục cần nhìn dài, nhìn rộng, nhìn sâu xem thời gian qua lĩnh vực này đã làm được những gì. “Chúng ta làm được rất nhiều việc như trong báo cáo đã nêu nhưng cần xem lại giáo dục nghề nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội chưa. Đánh giá một cách tổng thể cho thấy, giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, chưa đáp ứng được mong đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân và chưa đáp ứng được yêu cầu góp phần vào đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng suất lao động” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.

Cho rằng chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn thấp, mới chỉ tập trung vào những nghề sẵn có, chưa đào tạo cái mà xã hội cần, nhu cầu thực tiễn cần; Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn cồng kềnh, hiệu quả chưa cao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần có nhiều giải pháp tổng thể, theo hướng toàn diện các giải pháp trong đó chọn những giải pháp có tính chất tập trung chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mục tiêu lớn của công tác Giáo dục nghề nghiệp là góp phần có hiệu quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là đòi hỏi thiết tha của mỗi quốc gia, dân tộc nhất là khi cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra. Vậy nên, trong 8 nhóm giải pháp mà Tổng cục đưa ra trong báo cáo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tập trung vào 3 vấn đề có tính chất cơ bản và đột phá. Thứ nhất, trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở giáo dục gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá, sự kiểm soát độc lập cùng sự giám sát của xã hội. Thứ 2, xây dựng các chuẩn áp dụng trong giáo dục nghề nghiệp; Thứ 3, kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội. Giáo dục nghề nghiệp không thể tách khỏi an sinh xã hội vì nó liên quan đến việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo lại cho số người yếu thế.

Toàn cảnh buổi làm việc

Liên quan đến nhiệm vụ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao đó là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cần tạo ra một thị trường đào tạo năng động, có chất lượng để tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn, làm sao để giới trẻ chủ động được đào tạo, chuẩn bị cho tương lai. Bên cạnh đó, việc quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bám theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mưới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN

Về hệ thống, cơ chế, chính sách pháp luật, Bộ trưởng đề nghị năm 2018 phấn đấu không còn tồn đọng nợ văn bản để vận hành toàn bộ bộ máy. Liên quan đến đội ngũ cán bộ, Bộ trưởng chỉ đạo phải bảo đảm để Tổng cục thực sự đủ sức làm tốt công tác quản lý nhà nước, chú trọng xây dựng một tập thể đoàn kết, kỷ cương; chấn chỉnh, tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về GDNN ở tuyến tỉnh, tuyến huyện; tăng cường kỹ năng thực hành cho đội ngũ nhà giáo.

Đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng đã có cố gắng với việc cắt giảm 31 thủ tục hành chính không cần thiết nhưng ứng dụng công nghệ thông tin thì tụt hậu, do đó phải coi đây là một trong những giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng cục tăng cường và đổi mới công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về giáo dục nghề nghiệp

Cuối cùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao Thứ trưởng Lê Quân chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Văn phòng Bộ hoàn thiện báo cáo trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu. Từ đó, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ban cán sự Đảng bộ Bộ LĐ-TBXH về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác Giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Nghị quyết này sẽ xuyên suốt hệ thống toàn ngành.


(Nguồn: www.molisa.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay2,824
  • Tháng hiện tại49,358
  • Tổng lượt truy cập3,811,821
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây