TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Thứ hai - 13/12/2021 17:00 924 0
Giáo dục nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong mỗi chúng ta. Thành công hay thất bại phần nhiều do bản thân xác định và quyết định lựa chọn đúng con đường đi phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường, điều kiện hoàn cảnh và môi trường học tập, làm việc. Sau đây Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cung cấp một số thông tin tóm tắt về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để người lao động tìm hiểu, xác định học nghề.


I. Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng (Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng)

1. Đối tượng áp dụng

- Lao động nông thôn từ 15 tuổi đến 60 tuổi (đối với nam) 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học; người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã; người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi.

- Ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân.

2. Chính sách hỗ trợ

- Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học;

- Hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

3. Đăng ký học nghề qua địa chỉ

Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công chức văn hóa xã hội nơi người lao động cư trú tại địa phương.

II. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và quỹ quốc gia về việc làm)

1. Đối tượng áp dụng

 

- Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là thanh niên).

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên.

2. Điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề

Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an tham gia đào tạo nghề khi có đủ các điều kiện sau đây: Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.

3. Chính sách hỗ trợ

- Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học;

- Hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên;

- Kinh phí đào tạo nghề theo Thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong vòng 01 năm kể từ ngày cấp.

Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của Thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.

4. Hồ sơ đăng ký bao gồm

Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày cấp Thẻ, thanh niên lựa chọn nghề và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nộp hồ sơ tuyển sinh kèm theo các giấy tờ sau: Thẻ đào tạo nghề trình độ sơ cấp (bản gốc); Quyết định xuất ngũ (bản sao) đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Giấy cam kết chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an (Giấy cam kết theo Phụ lục số 01 Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016).

TuvanGDNN cho Nganh CA.jpg

Tư vấn học nghề cho Công an hoàn thành nghĩa vụ năm 2021

III. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng (Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng)

1. Đối tượng áp dụng

Người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù) là người Việt Nam, người nước ngoài và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

2. Đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù

- Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.

- Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

- Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ nhu cầu của người chấp hành xong hình phạt tù và thực tiễn thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Tây Ninh tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong hình phạt tù.

Học sinh  đang thực hành trên máy.jpg

Học sinh đang thực hành trên máy

IV. Chính sách miễn, giảm học phí (Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo)

1. Đối tượng được miễn học phí

- Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Người tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) học tiếp lên trình độ trung cấp.

- Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ.

- Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

2. Đối tượng được giảm 70% học phí

- Học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa – nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

- Học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

3. Đối tượng giảm 50% học phí

Học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.

V. Chính sách về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ).

- Đối tượng được vay vốn: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học trung cấp, cao đẳng, đại học tại các cơ sở giáo dục.

- Mức vốn cho vay tối đa 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.

- Lãi suất cho vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội đối với học sinh, sinh viên 0,5%/tháng.

Lễ phát bằng tốt nghiệp cho học sinh sinh viên Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh.JPG

VI. Địa chỉ cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện tham gia dạy nghề

- Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh. Địa chỉ: Số 19 Võ Thị Sáu, khu phố 7, phường 3, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; Điện thoại: 0276 3815 480.

- Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh:

+ Địa chỉ cơ sở 1: Ấp Gia Lâm, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; Điện thoại: 0276 3893 366.

+ Địa chỉ cơ sở 2: Đường Trưng Nữ Vương, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh; Điện thoại: 0276 3879 179.

- Trường Trung cấp Y tế Tây Ninh. Địa chỉ: số 288 đường 30/4, phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; Điện thoại: 0276 3826 545.

- Trường Trung cấp Á Châu. Địa chỉ: Tổ 6, ấp Phước Đức A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh; Điện thoại: 0276 3521 521.

- Trung tâm dịch vụ Việc làm Tây Ninh: Số 1291, khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; Điện thoại: 0276 3811 357.

- Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt: Số 209, khu phố Ninh Nghĩa, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; Điện thoại: 0276 3778 111.

- Trung tâm đào tạo lái xe ô tô Tây Ninh. Địa chỉ: Ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh; Điện thoại: 0276 3829 881.

- Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục TPA: Số 165, Nguyễn Trãi, khu phố 4, phường 4, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; Điện thoại: 0917 252 539.

"Chọn đúng nghề và giỏi với nghề chắc chắn thành công"


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay902
  • Tháng hiện tại41,204
  • Tổng lượt truy cập3,336,737
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây