Thúc đẩy chuyển đổi số

Thứ ba - 19/04/2022 15:24 286 0
Có thể nói, trong năm 2021, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi số, đặc biệt là ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, quyết định làm cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Thúc đẩy chuyển đổi số

 

Trung tâm giám sát, điều hành tập trung tỉnh. Ảnh: Thuý Hằng

Nhiều nỗ lực

Theo UBND tỉnh, trong năm 2021, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, về phát triển hạ tầng kỹ thuật, tỉnh tổ chức tái cấu trúc trung tâm dữ liệu theo mô hình điện toán đám mây, đã triển khai dự án bổ sung trang thiết bị gồm hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ, hệ thống phòng - chống tấn công mạng và hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng; đảm bảo đủ hạ tầng và an toàn, bảo mật để triển khai các nền tảng, ứng dụng, hệ thống thông tin phục vụ cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số và đô thị thông minh cho tỉnh.

Tỉnh cũng đã triển khai dự án nâng cấp, bổ sung thiết bị công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh nhằm điều chuyển, bổ sung trang thiết bị cho cán bộ, công chức, viên chức, các bộ phận một cửa các cấp để sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, thực hiện CCHC.

Song song đó, tỉnh chuẩn bị đầu tư dự án thực hiện Đề án trang bị camera giám sát an ninh trật tự tập trung trên địa bàn tỉnh nhằm trang bị các hệ thống camera giám sát được quản lý tập trung tại một số vị trí quan trọng, những nơi phức tạp về an ninh trật tự và một số nơi đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương.

Về phát triển các hệ thống nền tảng, đã hoàn thành việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) của tỉnh bằng công nghệ hiện đại, tiên tiến, đảm bảo sẵn sàng tích hợp, chia sẻ dữ liệu CNTT dùng chung của tỉnh, kết nối với trục tích hợp, chia sẻ quốc gia (NGSP) và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu Quốc gia như cơ sở dữ liệu (CSDL) doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và CSDL chuyên ngành khác.

Tỉnh đã tích hợp 1.000/1.818 thủ tục Dịch vụ công (DVC) mức độ 4 lên cổng DVC Quốc gia. 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tỉnh cũng đang thực hiện nâng cấp các hệ thống phần mềm như: một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điều hành, ứng dụng giao việc tức thời, nhắc việc thông minh để tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường khả năng phục vụ cho người dân và trong công tác chuyên môn của cán bộ công chức.

Về phát triển nguồn nhân lực CNTT, hiện nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước tỉnh biết sử dụng máy tính trong phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Đa số các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh và cấp huyện đã bố trí cán bộ phụ trách CNTT. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ này thường là phụ trách kiêm nhiệm và hay thay đổi nhiệm vụ. Việc tuyển dụng đội ngũ chuyên trách về CNTT, đặc biệt là lĩnh vực an toàn thông tin rất khó khăn do chưa cơ chế, chính sách thu hút riêng.

Còn hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng còn tồn tại một số vấn đề như: Việc tích hợp dữ liệu các ngành lên trung tâm giám sát điều hành tập trung còn hạn chế nên chưa cung cấp nhiều thông tin kịp thời phục vụ chỉ đạo, điều hành cho lãnh đạo tỉnh, nhất là việc tích hợp dữ liệu thu chi ngân sách, đầu tư công. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 20.23%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra là trên 30%.

Việc triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, Chương trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh bước đầu hoàn thành một số mục tiêu đề ra theo lộ trình của Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã làm gián đoạn việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong năm 2021.

Ngoài ra, theo UBND tỉnh, còn một số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong việc đề ra chương trình, kế hoạch chuyển đổi số cho ngành, địa phương mình mà chủ yếu trông chờ vào tỉnh. Trong đó, đặc biệt là việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và chia sẻ, tích hợp lên trung tâm giám sát điều hành tập trung và liên thông với các bộ, ngành, chia sẻ cho người dân, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế số còn rất hạn chế; có những chỉ tiêu về CSDL của tỉnh đạt điểm 0 trong đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2020 của Bộ TTTT.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến một số hạn chế là do tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các sở, ngành và địa phương phải tập trung toàn lực cho công tác phòng chống dịch nên một số nhiệm vụ phải tạm dừng, nhất là các hoạt dộng phải tập trung đông người...

Trong khi một số bộ, ngành ở Trung ương chưa ban hành các hướng dẫn, thông tư quy định về số liệu, chỉ tiêu chuyên ngành nên một số sở, ngành còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Một số dữ liệu của các ngành do các bộ, ngành ở Trung ương quản lý tập trung và chưa có hướng dẫn chia sẻ, tích hợp. Nguồn nhân lực tham mưu công tác chuyển đổi số ở đa số các sở, ngành và địa phương còn thiếu và yếu, chưa dược dào tạo và tập huấn về chuyển đổi số.

Về nguyên nhân chủ quan, một số người đứng đầu sở, ngành, địa phương chưa xem nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nên còn giao hết cho cấp phó và không thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện nên một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hoặc có xây dựng kế hoạch thì chỉ đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu là ứng dụng CNTT mà chưa quan tâm đến việc chuyển đổi số, nhất là việc số hoá dữ liệu, xây dựng dữ liệu số cho ngành, địa phương và thúc đẩy sử dụng dữ liệu số, nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn và đơn giản hoá các quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến nên chỉ tiêu hồ sơ nộp và xử lý trực tuyến còn thấp; chưa quan tâm tuyển dụng, bố trí, đào tạo nguồn nhân lực tham mưu công tác chuyển đổi số, có nơi thậm chí không có nhân sự chuyên ngành về CNTT nên việc tham mưu thúc đẩy chuyển đổi số còn chậm.

Tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm tăng cường giao tiếp giữa người dân và Chính quyền tỉnh thông qua các kênh Zalo OA, ứng dụng Tây Ninh Smart, hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Kết quả đã có 74.853 tài khoản đăng ký trên ứng dụng Tây Ninh Smart; Tổng số phàn ánh, kiến nghị 1.501 phản ánh (Đã xử lý: 1.097 phản ánh, đang xử lý: 404 phản ánh). Trên 84% câu hỏi đã được phản hồi đúng thời gian theo quy định.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 20.23% (53.607/264.883 hồ sơ) trên tổng sổ hồ sơ thủ tục hành chính được nộp.

Kết quả đã tiếp nhận và trả kết quả gần 5.000 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) và hơn 7.000 hồ sơ qua cổng hành chính công tỉnh.

(Nguồn: Baotayninh.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay1,633
  • Tháng hiện tại38,911
  • Tổng lượt truy cập3,929,209
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây