Thay đổi thói quen không dùng tiền mặt

Thứ hai - 18/07/2022 13:43 204 0
Để khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, chuyển sang các phương thức thanh toán hiện đại, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến, thay đổi thói quen người tiêu dùng.

 

Người dân xếp hàng chờ rút tiền tại máy ATM

Những năm gần đây, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta phát triển rất mạnh mẽ và đang là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Các dịch vụ, công cụ hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng đa dạng và bảo mật hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, do hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, nên vẫn còn rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại rủi ro, cũng như thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân còn phổ biến.

Do đó, để khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, chuyển sang các phương thức thanh toán hiện đại, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến, thay đổi thói quen người tiêu dùng.

Nhiều tiện lợi

Hiện nay, nhiều cửa hàng kinh doanh các dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh thường in sẵn thông tin số tài khoản ngân hàng hoặc hoá đơn thanh toán số tài khoản ngân hàng, hoặc mã QR core của ví điện tử để khách hàng có nhu cầu thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Anh L.V.N, quản lý một cửa hàng bán trà sữa tại thành phố Tây Ninh cho biết, cửa hàng của anh không trang bị máy POS để quẹt thẻ của các ngân hàng, thay vào đó, khi khách hàng có nhu cầu thanh toán, nhân viên phục vụ sẽ cho khách hàng số tài khoản giao dịch ngân hàng để họ chuyển tiền vào. Theo anh N, đối tượng khách hàng trẻ hiện nay có ưu thế là tiếp cận công nghệ từ sớm nên việc thanh toán dịch vụ bằng các hình thức trực tuyến diễn ra nhanh gọn hơn rất nhiều.

Chị Đỗ Thị Lan Anh, ngụ phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh cho biết, hằng tháng, chị được nhận tiền lương qua thẻ ATM, nên khi có việc cần là phải chạy ra máy ATM để rút. Tuy nhiên, có những lúc cần tiền gấp nhưng lại trùng vào đợt trả lương của các doanh nghiệp nên việc rút tiền trở thành cực hình, khi phải xếp hàng chờ cả giờ đồng hồ mới tới lượt.

Chính vì vậy, để khỏi phải chờ đợi, mất thời gian, chị thường chọn hình thức mua sắm trực tuyến, hoặc vào siêu thị để “quẹt thẻ” cho nhanh. Theo chị Lan, hiện nay có rất nhiều cửa hàng, siêu thị triển khai hình thức thanh toán trực tuyến và máy POS để khách hàng thanh toán, mà không yêu cầu sử dụng tiền mặt (chỉ trừ một số của hàng tạp hoá nhỏ, chợ truyền thống), người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến còn được chiết khấu giảm giá, hoặc nhận thêm quà tặng.

Do đặc thù công việc phải thường xuyên nhận và chuyển tiền, nếu sử dụng tiền mặt như trước đây, mỗi tháng, anh Nguyễn Văn Khoa ở phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành phải đến ngân hàng ít nhất 2 - 3 lần để chuyển khoản khi thanh toán hay nhận tiền mặt từ khách hàng. Bây giờ, anh chỉ cần ngồi ở nhà hay quán cà phê có wifi đã có thể sử dụng app của ngân hàng để chuyển khoản trong tích tắc.

Nếu như trước đây, cứ đến chu kỳ đóng tiền điện, gia đình chị Lê Thị Như, ngụ ấp Long Giao, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu phải gửi tiền cho hàng xóm nhờ nộp giúp khi nhân viên điện lực đến thu. Nay, thông qua dịch vụ thanh toán trực tuyến, chị có thể tự tra cứu số tiền chi trả sử dụng điện qua app Zalo, đồng thời đăng ký sử dụng dịch vụ tự động chi trả qua ngân hàng.

Theo chị Như, vợ chồng chị đều làm công nhân, thường xuyên vắng nhà nên trước đây thường không đóng đúng thời hạn, một vài lần trễ bị cắt điện, buộc chồng chị phải xin nghỉ một buổi để đến Điện lực huyện đóng tiền để được nối lại, vừa mất thời gian lại ảnh hưởng đến công việc.

 

Siêu thị đang là đơn vị tiên phong trong việc áp đụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhiều người còn e ngại

Tiền mặt là kênh thanh toán truyền thống được người Việt tin chọn sử dụng từ xưa đến nay, với tiêu chí “tiền trao cháo múc”, việc thực hiện giao dịch trực tiếp này tạo được sự tin tưởng cao hơn giữa người mua và người bán. Chính vì vậy, mặc dù hiện nay có rất nhiều loại hình thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt nhưng vẫn còn nhiều người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi không quan tâm sử dụng vì lo ngại vấn đề bảo mật, cũng như tính chính xác trong giao dịch.

Đứng xếp hàng, dưới thời tiết nắng nóng giữa buổi trưa, cô Nguyễn Thị Bích Châu, ngụ xã Phước Đông, huyện Gò Dầu cho biết, cô có hai người con đang làm công nhân trong Khu công nghiệp Phước Đông, cứ đúng vào ngày 10 hằng tháng, khi nhận được tin nhắn thông báo có lương là cô tức tốc chạy ra trụ ATM để rút tiền về chi tiêu. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn thì khi đi đến nơi cô cũng đều phải xếp hàng chờ.

Theo cô Châu, ngoài nhu cầu chi tiêu trong gia đình nên cần phải rút, thì việc để nhiều tiền trong thẻ ATM cũng khiến cô không yên tâm, vì có nhiều trường hợp đột nhiên bị mất tiền mà không biết, “tiền mình mình cất cho chắc, nhờ ngân hàng có ngày bị mất rồi biết kêu ai”.

Nguyễn Thanh Vy, ngụ xã Hoà Hội, huyện Châu Thành, là sinh viên năm thứ 3 tại một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Ở thành phố, mọi thứ đều rất tiện lợi, nhưng khi về quê, em phải ra trụ ATM rút tiền để bỏ túi chi tiêu khi cần. Nhiều lúc ngẫm nghĩ, đi cà phê, ăn uống với bạn mà quên mang tiền, quán lại không có quẹt thẻ, hay chuyển khoản thì xác định là đi rửa chén hay rửa ly cho chủ trừ nợ!”- Vy cười nói.

Cần đẩy mạnh triển khai hạ tầng phục vụ nhu cầu của người dân

Ông Trần Thanh Thiên- Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Tây Ninh cho biết, vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều người dân đã dần thay đổi thói quen mua sắm, nhiều người lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến trên website của siêu thị và thanh toán online thông qua app ngân hàng.

Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ quẹt thẻ qua máy POS tại siêu thị tăng lên, hiện chiếm từ 25%-30% giao dịch thanh toán tại siêu thị. Để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, Co.opMart triển khai nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt bằng việc chiết khấu hay tặng quà.

Để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều chương trình ưu đãi, nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán các hoá đơn dịch vụ qua các kênh giao dịch của ngân hàng qua internet, qua ATM, hoặc yêu cầu ngân hàng trích nợ tài khoản.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn có nhiều chính sách khuyến mãi như: không thu phí mở tài khoản, giảm phí chuyển tiền ngoài hệ thống, đồng thời phối hợp với các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp thanh toán thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử. Phương thức thanh toán mới này sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp, bởi tính an toàn, tiết kiệm thời gian và chủ động thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần trên địa bàn tổ chức quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của địa phương và của ngành. Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác.

Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hoá, bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng nhưng an toàn, bảo mật. Đẩy nhanh phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử. Tiếp tục phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư trên 206 máy ATM, lắp đặt 868 máy POS tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm kinh doanh, mua sắm, Ngoài các phương thức thanh toán qua thẻ, các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai phương thức thanh toán thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh như: Internet Banking, Mobile Banking và các ví điện tử như: ViettelPay, ZaloPay, MoMo... Qua đó, không chỉ giúp cho người dân từng bước thay đổi thói quen không sử dụng tiền mặt, mà còn tiết kiệm được thời gian, chi phí và bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nhà nước, khu vực dịch vụ và lĩnh vực hành chính công cũng được đẩy mạnh. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng đã kết nối dữ liệu với Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế tỉnh để phối hợp thu ngân sách bằng phương thức thu điện tử, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức và cá nhân thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Từ kết quả trên có thể thấy việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành xu thế mới hiện nay bởi những tiện ích mà nó mang lại. Tin rằng, đây sẽ là sự lựa chọn của nhiều người trong thời gian tới, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu, mua sắm và kinh doanh. Đặc biệt, góp phần cùng tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công trên tất cả các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số trong tương lai.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay1,432
  • Tháng hiện tại38,710
  • Tổng lượt truy cập3,929,008
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây