Ông Nguyễn Tấn Đức – Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số 9 tháng đầu năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh; cuộc họp được tổ chức trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Đức – Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông cho biết, Tây Ninh hiện có trên 70% tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; hơn 80% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang. Tỷ lệ phủ sóng di động tới 100% ấp/khu phố, hiện Tập đoàn Viettel đang triển khai thử nghiệm hệ thống mạng 5G của tại thành phố Tây Ninh.
Trong tháng 8.2022 Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã trình UBND tỉnh Ban hành Đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thị xã Hòa Thành trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện bổ sung các tiện ích phục vụ người dân trên úng dụng Tây Ninh Smart, xây dựng bảng tổng hợp dữ liệu chỉ đạo, điều hành (dashboard) chung trên nền tảng IOC.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 132.000 tài khoản đăng ký ứng dụng Tây Ninh Smart. Hệ thống tổng đài 1022 tiếp nhận 493 phản ánh (380 phản ánh được xử lý, đạt tỷ lệ 77%) và 701 câu hỏi của cá nhân, tổ chức (662 câu hỏi được trả lời, đạt gần 95%). Đối với việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 28,61%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 22%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 100%.
Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai thí điểm 493 tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó có 481 tổ cấp ấp/khu phố và 12 tổ cấp xã/phường/thị trấn.
Tại cuộc họp, đại diện một số sở, ban ngành tỉnh báo cáo công tác triển khai các phần mềm, hệ thống thông tin như: Ngành Nội vụ triển khai phần mềm quản lý cán bộ công chức viên chức, dự án “Hệ thống số hóa, quản lý và khai thác dữ liệu số”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì cuộc họp.
Ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện đề án “Xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường cấp tỉnh”. Trong đó, lĩnh vực quản lý đất đai, ngành đang triển khai thí điểm 3 phần quản lý, gồm phần mềm VNPT ILIS triển khai thí điểm tại huyện Tân Châu (2 năm) và Tân Biên; phần mềm ILIS tại thị xã Hòa Thành và huyện Châu Thành; phần mềm VBDLIS triển khai tại Tp. Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng và các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu (đã thí điểm liên thông thuế), Châu Thành (mới chuẩn bị) dự kiến hoàn thành trong tháng 6 năm 2023.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng (Kipus); phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật; cập nhật dữ liệu về cơ sở dữ liệu bảo vệ thực vật và hệ thống phần mềm giám sát; báo cáo số liệu hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, trang trại nông nghiệp trên phần mềm báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn.
Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai phần mềm quản lý trường học theo mã định danh và cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục kết nối trao đổi dữ liệu cho 343 trường.
Ngành Công an thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngành Công thương triển khai Hệ thống dữ liệu hiện trạng, quy hoạch phục vụ công tác quản lý, điều hành và Hệ thống Quản lý hoạt động cấp phép một số lĩnh vực chuyên ngành; ngành Lao động Thương binh và Xã hội triển khai phần mềm Quản lý hồ sơ người có công; ngành Giao thông Vận tải triển khai phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.
Đại diện lãnh đạo VNPT và Viettel Tây Ninh đưa ra đề xuất, kiến nghị về các giải pháp thực hiện chuyển đổi số cho các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh yêu cầu làm rõ vì sao kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch đề ra. Đánh giá cụ thể những hạn chế trong công tác chuyển đổi số thời gian qua, đồng thời đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh) cùng các sở, ban ngành tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và người dân.
Các cơ quan báo chí phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền và hướng dẫn chuyển đổi số bằng nhiều hình thức, hoàn thiện việc cung cấp dữ liệu chuyên ngành kết nối vào mạng dữ liệu chung cho trung tâm điều hành của tỉnh; thường xuyên cập nhật số liệu điều hành. Các sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, hoàn thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Các địa phương căn cứ vào những nội dung cơ bản về chuyển đổi số xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị để thực hiện; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng về chuyển đổi số cho đội ngũ làm công tác tham mưu và các tổ công nghệ số cộng đồng.
(Nguồn: Baotayninh.vn)
Tác giả: S? lao ??ng Qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc