Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn: Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Thứ tư - 29/08/2012 17:45 795 0
Đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập đối với phụ nữ nông thôn là rất cần thiết. Đây là giải pháp để chị em cải thiện đời sống kinh tế, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội.

 Không phải ngẫu nhiên mà năm nay Liên Hợp Quốc kêu gọi cả cộng đồng thế giới cần phải trao thêm quyền cho phụ nữ và trẻ em gái đang sống ở các vùng nông thôn trên khắp thế giới để xóa đói giảm nghèo. Thực tế cuộc sống cho thấy, phụ nữ là lực lượng lao động nông nghiệp quan trọng, sản xuất ra phần lớn các sản phẩm lương thực, tuy nhiên, vai trò, vị thế của họ chưa được đánh giá cao. Phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực nông thôn đang còn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới về cơ hội học tập, việc làm, tiếp cận thông tin và thụ hưởng các thành quả của cuộc sống. Những điều này khiến không ít phụ nữ không thể tìm thấy hạnh phúc thực sự cho cuộc đời mình.

 Chị Nguyễn Thị Hà ở xã Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) thổ lộ: “Hàng tháng, tuy tôi không làm ra tiền mặt như chồng, nhưng từ sáng sớm đến tối mịt tôi đều làm việc quần quật ở ngoài đồng. Đã thế, về đến nhà không lúc nào ngơi tay, hết cơm nước, giặt giũ, tắm rửa cho tụi nhỏ, lại đến cắt cỏ cho bò, cho heo ăn, nhiều lúc mệt thở không nổi…”. Lâu nay, anh Minh - chồng chị Hà làm nghề thợ hồ, hầu như công việc đồng áng, chăm sóc gia đình, con cái, anh đều phó mặc cho vợ. Công bằng mà nói, nhờ cái nghề thợ hồ của anh Minh mà kinh tế gia đình đỡ chật vật. Với mức thu nhập trên dưới 5 triệu đồng mỗi tháng của chồng gửi về, không chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình mà chị Hà còn dành dụm mua được một con bò, một chiếc xe máy… Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như anh Minh không xem thường, lên mặt quá đáng với vợ mình, nói vợ “suốt ngày chỉ biết ăn bám chồng”. Chị Hà bức xúc: “Lúc nào tôi cũng biết vai trò quan trọng của chồng mình, nhờ ông ấy mà kinh tế gia đình đỡ chật vật, nhưng sao ông ấy không nghĩ đến công sức chăm lo con cái, nhà cửa, ruộng đồng của tôi. Nếu không có tôi, ông ấy có thể yên tâm ra ngoài kiếm tiền được không?”.

 Chuyện của chị Hà cũng giống như phần lớn câu chuyện của phụ nữ ở nhiều miền quê khác. Với trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, họ thường dành rất nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình. Điều này giải thích tại sao phần lớn các chương trình đào tạo nghề, các khóa tập huấn nâng cao kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật đều do nam giới tham gia. Do đó, phụ nữ nông thôn không có nhiều cơ hội để học tập, nâng cao tay nghề. Điều này dẫn đến nguồn thu nhập mà họ đóng góp vào việc cải thiện kinh tế gia đình không nhiều, do chỉ dựa vào mùa vụ hoặc chăn nuôi nhỏ lẻ. Phần lớn phụ nữ nông thôn không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Vì thế có tới gần 1/3 việc làm của phụ nữ là lao động gia đình. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng trong gia đình, xã hội khi hầu hết người đàn ông đảm nhận vai trò kinh tế trụ cột.

 Phó giám đốc Sở LĐTBXH Phú Yên Phạm Thị Tương Lai nói rằng: Trong điều kiện kinh tế phát triển mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn hết sức cần thiết. Bởi chỉ khi được đào tạo nghề, biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi thì chị em mới có thể cải thiện đời sống kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Khi ấy, chị em sẽ có tiếng nói trong gia đình, có cơ hội để được bình đẳng với chồng về kinh tế, hạn chế xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội sẽ được nâng lên.

 Việt Nam được Liên Hợp Quốc công nhận là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua tại khu vực Đông Nam Á, là nước đứng đầu trong khu vực về xóa bỏ khoảng cách giới. Phụ nữ chiếm 48% trong số tổng lao động có việc làm; trẻ em gái được đi học ngày càng nhiều hơn... Tuy nhiên, để người phụ nữ nông thôn tự khẳng định mình và bình đẳng với nam giới là cả một chặng đường dài. Hiện nay số hộ nghèo ở Việt Nam nói chung và ở Phú Yên nói riêng vẫn chiếm tỉ lệ cao, số hộ nghèo này tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ nông thôn vẫn chịu rất nhiều khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống.

 Tại diễn đàn chính sách về bình đẳng giới được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 3 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tiếp tục cam kết cùng nhau hợp tác hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc qia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 bảo đảm rằng, phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn là một trong những nội dung ưu tiên của các chính sách và chương trình trong thời gian tới. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 chú trọng đến quyền bình đẳng giới về kinh tế, phấn đấu giảm dần cường độ lao động, đưa tổng số giờ lao động nữ (gồm các loại công việc) trong ngày, trong tuần, trong năm đến mức hợp lý và ngang với nam giới; tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ, nhất là phụ nữ đơn thân, nữ chủ hộ nghèo được tiếp cận các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công nhằm giúp họ áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, bảo đảm sản xuất và kinh doanh có hiệu quả cao.

Nguồn: www.molisa.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập93
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay1,515
  • Tháng hiện tại38,793
  • Tổng lượt truy cập3,929,091
hoc tap va lam theo
Hỏi đáp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Báo Quân đội Nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây